Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã cho thấy sức hấp dẫn và thể hiện vai trò ngày càng quan trọng, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp và giảm sức nặng cho kênh tín dụng ngân hàng.
Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng cao, việc huy động trái phiếu doanh nghiệp khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp lao đao “khát vốn.” Để vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho thị trường vốn, những nút thắt đang dần được tháo gỡ.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã và đang tiềm ẩn một số rủi ro, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý, cũng như tăng các chế tài xử lý để lành mạnh hóa thị trường này, hỗ trợ thị trường phát triển đúng định hướng.
Bộ Tài chính đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, cũng như liên tục phát đi thông điệp cảnh báo các tổ chức phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian và đặc biệt là các nhà đầu tư; đồng thời chỉ rõ những bất cập của thị trường này.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng bên cạnh các quy định pháp luật, sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phụ thuộc lớn vào sự chủ động, tính tuân thủ của các chủ thể tham gia thị trường: doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian và nhà đầu tư.
[Nghị định 08: Hạn chế rủi ro về thanh khoản trên thị trường trái phiếu]
Tại hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra hồi tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, đối với thị trường trái phiếu cần thẳng thắn nhìn nhận, qua những vụ việc vi phạm, đặc biệt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bộc lộ bất cập, đặc biệt về cơ chế chính sách để bị lợi dụng.
Đó là sự thiếu minh bạch thông tin, điều kiện phát hành lỏng lẻo, sử dụng vốn sai mục đích, chuyển nhượng vốn lòng vòng, tỷ lệ an toàn tài chính, tiêu chí đánh giá xếp hạng... của doanh nghiệp phát hành và sự giám sát, kiểm tra, quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan tổ chức liên quan chưa chặt chẽ, hiệu quả, quyết liệt...; vẫn còn những khoảng trống pháp lý để quản lý, giám sát thị trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Thực tế, chính sự thiếu minh bạch thông tin khiến nhà đầu tư mất lòng tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Khối Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, FiinRatings - đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa nhận định, trong vòng một năm tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng vẫn trầm lắng.
Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư tìm đến sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp vì sự chênh lệch liên quan đến lãi suất trái phiếu và lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm vừa qua. Do đó, nếu hiện nay doanh nghiệp phát hành trái phiếu với giá trị cao sẽ khó tiếp cận nhà đầu tư.
Những khó khăn của năm 2022 có thể kéo dài sang năm 2023, kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của các doanh nghiệp niêm yết vẫn rất “mong manh” hoặc doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá, lùi thời gian chào bán.
Có thể kể đến trường hợp Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) đã lùi thời điểm chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng từ quý 1 sang quý 2-3/2023, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận chào bán; đồng thời, hạ giá còn một nửa so với phương án trước đó.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dừng kế hoạch chào bán như Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings,…
Thực tế, trong tháng đầu năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng khi chỉ có duy nhất một lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ thành công thuộc về một đơn vị trong lĩnh vực nền móng cọc xây dựng với trị giá vỏn vẹn 110 tỷ đồng. Kết quả này chưa đạt 1% giá trị phát hành khi so sánh với cùng kỳ năm 2022 là 29.280 tỷ đồng.
Trong tháng 2/2023 có 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ở thị trường trong nước; trong đó có một lô riêng lẻ của Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Sơn Kim.
Lô trái phiếu riêng lẻ của Sơn Kim trị giá 500 tỷ và lãi suất danh nghĩa 13,5%/năm cho kỳ hạn 2 năm. Những con số này cho thấy mức độ suy giảm nghiêm trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nếu so với giai đoạn trước đây.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã “đóng băng” từ quý 4/2022. Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) ước tính, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý cuối năm 2022 chỉ đạt 3.619 tỷ đồng, giảm 94,5% so với quý liền trước và giảm 98,8% so với cùng kỳ; trong đó, hầu hết là trái phiếu phát hành riêng lẻ và không có đợt phát hành ra công chúng nào.
Theo giới phân tích, giá trị phát hành trái phiếu giảm mạnh trong quý IV/2022 đến từ hai nguyên nhân. Đó là Nghị định 65/2022/NĐ-CP có những quy định thắt chặt cả về phía cung và cầu đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm sau khi cơ quan quản lý nhà nước chỉ ra một loạt sai phạm của các doanh nghiệp phát hành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán, trái phiếu trong năm 2022 có nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu từ niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường trong nước, cũng như tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế-chính trị thế giới.
Đối với thị trường trong nước, việc lãi suất ngân hàng tăng nên có xu hướng tiền dịch chuyển sang hệ thống ngân hàng thương mại và thanh khoản của nền kinh tế khó khăn. Riêng thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư do các sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý và việc một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Sự suy giảm rõ rệt về lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong quý 4/2022 là tín hiệu rõ ràng để dự báo sự suy giảm về quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023-2024 khi lượng phát hành mới sẽ thấp hơn giá trị trái phiếu đáo hạn.
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm tới vẫn còn lớn với 650.319 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn; trong đó có 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 và 360.500 tỷ đồng đáo hạn vào năm 2024.
Trước bối cảnh áp lực đáo hạn trái phiếu tăng cao, các doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn đối ứng để trả nợ trái phiếu, nhưng với việc thị trường đang “đóng băng”, có lẽ không có nhiều dư địa để doanh nghiệp xoay xở được dòng tiền./.
Bài 1: Những lỗ hổng pháp lý tiềm ẩn rủi ro an ninh tài chính
Đón đọc: Bài 3: Chờ "cú hích" chính sách
Bài 4: Thời điểm tốt nhất để Việt Nam cải cách lại thị trường vốn