Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời được đánh giá như chiếc chìa khóa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, đảm bảo sự an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Thay đổi nhận thức
Nghị quyết 42 chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Tuy nhiên từ trước ngày này, nhiều khách hàng của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có nợ xấu đã tới ngân hàng để bàn giải pháp phối hợp xử lý thay vì chây ỳ như trước đây.
Lý giải về điều này, ông Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho rằng: "Nghị quyết 42 đã giúp mọi người hiểu rõ đâu là nguyên nhân phát sinh nợ xấu và từ đó làm thay đổi nhận thức, ý thức của cả khách nợ lẫn chủ nợ".
Theo ông Thắng, với hệ thống luật pháp như trước đây, thời gian xử lý nợ kéo dài, đôi khi ra tòa tới 3-5 năm vẫn chưa xử lý được, gây tốn kém không chỉ cho các ngân hàng thương mại mà cả nhà nước bởi nhiều chi phí phát sinh. Dựa vào đó, nhiều khách nợ chây ỳ, kiếm lợi cho bản thân. Chưa kể tới việc quá trình xử lý nợ kéo dài còn ảnh hưởng rất lớn đến những người lao động trong doanh nghiệp có nợ xấu và cả các đối tác liên quan tới doanh nghiệp đó.
Ông Phạm Mạnh Thắng khẳng định xử lý nợ xấu được đưa lên làm nhiệm vụ hàng đầu của Vietcombank, không phải chỉ đến khi nợ xấu xảy ra mới xử lý mà ngay từ đầu vào, Vietcombank đã xem xét lại chính sách, quy trình cho vay, đánh giá khách hàng cũng như đào tạo lại nhân viên tín dụng.
Nhờ đó, từ năm 2011-2015, Vietcombank đã xử lý được khoảng 28.000 tỷ đồng nợ có vấn đề, nợ xấu và nợ ngoại bảng; đưa tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này xuống dưới mức 2% và tại thời điểm này là dưới 1,5% (theo thống kê 6 tháng đầu năm 2017).
[Nghị quyết 42 có hiệu lực: Khi “nút thắt” xử lý nợ xấu được tháo gỡ]
Rốt ráo triển khai
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) là ngân hàng đầu tiên đưa ra chương trình hành động với những giải pháp rất cụ thể để “giải cứu” nợ xấu ngay sau khi Nghị quyết 42 được ban hành.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biêt, ngân hàng này sẽ ban hành Nghị quyết về miễn, giảm lãi theo hướng tổng điều chỉnh giảm lãi suất của tất cả các khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017 (ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực).
Đồng thời, Agribank cũng áp dụng cơ chế miễn 100% lãi quá hạn; miễn, giảm lãi đối với khách hàng khó khăn, thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhanh nhất với mức miễn, giảm lãi cao nhất có thể lên tới 100% số lãi tồn đọng. Với chính sách và cơ chế này, số lãi mà Agribank có thể miễn, giảm lên tới vài chục ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Agribank sẽ thực hiện cho vay hỗ trợ khó khăn đối với tất cả khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, đã bán của Agribank nay có nguyện vọng, khả năng và điều kiện khôi phục sản xuất, từng bước tạo nguồn trả nợ ngân hàng. Đây có thể coi là chính sách ưu đãi với khách hàng đang có nợ xấu…
Chủ tịch Trịnh Ngọc Khánh nhấn mạnh: "Nghị quyết 42 là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, là điều kiện cần, nhưng để thu hồi nợ có hiệu quả, phải có điều kiện đủ đó là triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả nội dung Nghị quyết này của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đến toàn hệ thống và toàn thể cán bộ, nhân viên Agribank."
Đồng quan điểm này, ngay sau khi Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành, Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã nhanh chóng có văn bản chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống và các phòng/ban Trụ sở chính chủ động nghiên cứu kỹ nội dung Nghị quyết để nắm bắt những điểm chính, tác động trực tiếp đến việc thực hiện xử lý nợ xấu tại VietinBank đặc biệt trong bối cảnh VietinBank là 1 trong 7 đơn vị được NHNN lựa chọn “làm điểm” trong việc triển khai Nghị quyết 42.
Cùng với đó, VietinBank còn tổ chức Hội nghị trực tuyến truyền thông Nghị quyết 42 để một lần nữa phổ biến rộng rãi Nghị quyết đến các chi nhánh và phòng/ban chuyên môn trên toàn hệ thống, đồng thời ghi nhận những phản hồi, những khó khăn vướng mắc có thể phát sinh khi triển khai thực tế.
Kỳ vọng mới
Nhìn lại quá trình xử lý nợ xấu tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng cho biết: "Trong giai đoạn tái cơ cấu 2011-2015, TPBank đã cơ bản xử lý được nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của TPBank hiện được duy trì ở mức dưới 1% nên áp lực xử lý nợ xấu không quá lớn. Tuy vậy không có nghĩa là TPBank không có vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu".
Theo ông Nguyễn Hưng, nếu chỉ có các ngân hàng thực hiện thì sẽ rất khó để xử lý nợ xấu mà cần có sự phối hợp của các cấp, ban, ngành. Và sự ra đời của Nghị quyết 42 đi kèm với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là những dấu hiệu tích cực, tạo hành lang pháp lý và cơ chế mới để xử lý nợ xấu nhanh hơn, tạo nguồn vốn mới cho ngân hàng hoạt động.
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội.
Nghị quyết 42 đang được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước./.