Nghị quyết họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng Bảy

Chính phủ thống nhất với đề xuất về vấn đề mang tính định hướng cho việc xây dựng các dự án Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Nghị quyết họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng Bảy ảnh 1Quang cảnh phiên họp Chính phủ chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng Bảy vừa được Chính phủ ban hành, Chính phủ đã thống nhất về cơ bản với đề xuất của Bộ Nội vụ về các vấn đề mang tính định hướng cho việc xây dựng các dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chính phủ nhận định dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương là hai dự án Luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Việc nghiên cứu, soạn thảo hai dự án Luật này phải trên cơ sở quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước; bám sát và cụ thể hóa tinh thần và nội dung các quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013; tổng kết thực tiễn thi hành, kế thừa các quy định của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hiện hành đã được kiểm nghiệm.

Hai dự án Luật phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với nhau và với các dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và các dự án Luật khác.

Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo cần xây dựng thành các phương án khác nhau để tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến tham gia; đồng thời, phải thể hiện chính kiến của Ban soạn thảo trong việc lựa chọn phương án phù hợp.

Về một số vấn đề cụ thể của dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chính phủ thống nhất định hướng quy định nghiên cứu, làm rõ nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trên cơ sở đó, xác định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ kiểm soát quyền lực đối với Quốc hội và Tòa án nhân dân để thể hiện đúng vị trí, chức năng cơ quan thực hiện quyền hành pháp.

Cụ thể hóa ba chức năng và các nhiệm vụ, quyền hạn đã được Hiến pháp quy định thành các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Chính phủ theo hướng nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được quy định khái quát, bao quát các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như trong các mối quan hệ với các thiết chế nhà nước khác, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ quản lý đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Quán triệt quan điểm đẩy mạnh phân cấp, phân định thẩm quyền trung ương-địa phương trong quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và kế thừa Luật hiện hành, cần quy định cụ thể hơn các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ. Đồng thời, cụ thể hóa nhiệm vụ của Thủ tướng đã được Hiến pháp quy định là lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia.

Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ thống nhất định hướng việc xây dựng dự án Luật phải quán triệt và thể hiện được tinh thần quy định của Hiến pháp là đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt; bảo đảm sự gắn kết thống nhất chặt chẽ giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong một thực thể chính quyền địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, phân định thẩm quyền, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương và của từng cấp chính quyền địa phương trong việc quyết định các vấn đề của địa phương, bảo đảm sự quản lý thống nhất của trung ương, tính thông suốt của nền hành chính quốc gia.

Chính phủ thống nhất nhận định, việc xây dựng, ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý để khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, thúc đẩy cải cách, đơn giản hóa hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.

Để bảo đảm chất lượng, tính khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới, Chính phủ yêu cầu chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm cả vấn đề tổ chức thi hành pháp luật. Theo đó, có một chương riêng về tổ chức thi hành pháp luật trong dự thảo Luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục