Một nhóm gồm khoảng 30 nghị sỹ bảo thủ có ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa ở Mỹ ngày 15/6 bày tỏ phản đối việc gia hạn đạo luật Giám sát Tình báo nước ngoài (FISA) nếu không có các sửa đổi lớn về cách thức Chính phủ Mỹ thu thập và sử dụng các dữ liệu của người dân Mỹ.
Động thái này phản ánh sự bất đồng trong nội bộ đảng Cộng hòa, vốn chiếm đa số tại quốc hội. Đạo luật trên sẽ hết hiệu lực thi hành vào cuối năm nay.
Cách đây một tuần, chính quyền của Tổng thống Donald Trump và 14 thượng nghị sỹ Cộng hòa cho biết họ muốn gia hạn đạo luật trên mà không có thêm bất kỳ sửa đổi nào.
Nhóm nghị sỹ trên cho rằng các hoạt động theo dõi nghe lén của chính phủ theo luật FISA sửa đổi "vi phạm các quyền được hiến pháp Mỹ bảo vệ."
Chính vì vậy, họ tuyên bố phản đối việc gia hạn luật FISA sửa đổi nếu không có các sửa đổi lớn hơn trong cách chính phủ thu thập và sử dụng dữ liệu của người Mỹ.
[Tổng thống Mỹ trao đổi số điện thoại di động gây quan ngại về an ninh]
Nhóm nghị sỹ trên từng thành công trong việc thách thức Nhà Trắng và lãnh đạo đảng Cộng hòa trong nhiều vấn đề chính sách khác, như phản đối kế hoạch cải tổ hệ thống chăm sóc y tế.
Sự bất đồng trong nội bộ đảng Cộng hòa liên quan đến điều khoản 702 của luật FISA sửa đổi giống như một cuộc tranh luận cách đây 2 năm, khi các nghị sỹ bất đồng về việc có rút ngắn một chương trình của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) nhằm thu thập thông tin cuộc gọi của Mỹ hay không.
Cuộc tranh cãi đã dẫn tới việc đạo luật Yêu nước Mỹ (UPA) bị vô hiệu sớm hơn thời hạn đã định, sau đó các nghị sỹ đã thông qua một đạo luật chấm dứt hoàn toàn hoạt động này.
FISA đã từng được sửa đổi vào năm 2008, trong đó có phần gây tranh cãi là điều khoản 702, cho phép các nhân viên Chính phủ Mỹ nghe lén điện thoại, đọc lén thư điện tử và các loại hình thông tin khác của người nước ngoài đang sống ở hải ngoại.
Các cơ quan tình báo Mỹ và các đồng minh của Mỹ cho rằng luật này có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia, song các luật sư tư nhân chỉ trích điều khoản 702 vì lo ngại chính quyền vô tình thu thập thông tin của cả một số người Mỹ mà không có giấy phép của tòa án./.