Với số phiếu ủng hộ áp đảo, ngày 10/9, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker về phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư tại các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia "tuyến đầu" đang phải đương đầu với làn sóng người di cư, chủ yếu đến từ Syria.
Nghị quyết không bắt buộc này đã được 432 phiếu ủng hộ, 142 phiếu chống và 57 phiếu trắng.
Các nghị sỹ EP đã ủng hộ kế hoạch của ông Juncker về tái bố trí 160.000 người tị nạn hiện đang ở Hy Lạp, Hungary và Italy. Con số trên bao gồm 40.000 người tị nạn đã có mặt trên lãnh thổ châu Âu và 120.000 người di cư khác đang tạm trú tại ba quốc gia châu Âu nói trên.
Trong số 120.000 người mới tới, nước dự định sẽ tiếp nhận nhiều nhất là Đức (31.443 người), tiếp theo là Pháp (24.031 người), Tây Ban Nha (14.931 người), Ba Lan (9.287 người), Hà Lan (7.214 người), thấp nhất là Malta (133 người).
Bên cạnh việc phân bổ theo hạn mức nói trên, Chủ tịch EC cũng đề nghị một biện pháp khẩn cấp trong khi chờ đợi cải cách sâu sắc hệ thống tiếp nhận người tị nạn. Đó là "cơ chế thường trực" cho phép phối hợp một cách tốt nhất chính sách của các nước châu Âu với người tị nạn.
Theo dự kiến, các Bộ trưởng Nội vụ EU sẽ xem xét kế hoạch phân bổ người di cư tại cuộc họp khẩn vào ngày 14/9 tới, tuy nhiên do có sự phản đối của một số nước Đông Âu, EU có thể sẽ phải triệu tập hội nghị thượng đỉnh của khối để thông qua kế hoạch này.
Cũng tại phiên họp nói trên của EP, các nghị sỹ châu Âu đã kêu gọi xem xét lại Hiệp ước Dublin về tiếp nhận người tị nạn để giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia EU mà người tị nạn đặt chân tới đầu tiên.
Các nghị sỹ cũng kêu gọi Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, tổ chức một hội nghị quốc tế về người tị nạn nhằm xây dựng chiến lược trợ giúp nhân đạo toàn cầu chung.
Hội nghị sẽ bao gồm đại diện EU, các cơ quan của Liên hợp quốc, Mỹ, các tổ chức phi chính phủ và các nước Arab./.