Nghiên cứu khảo sát tác nhân vi sinh gây ra ngộ độc của bánh mỳ Phượng

Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford và Quỹ Wellcome Trust tại Việt Nam xin được triển khai Đề tài nghiên cứu khảo sát tác nhân vi sinh gây ra chuỗi ngộ độc thực phẩm bánh mỳ Phượng tại Hội An.
Nghiên cứu khảo sát tác nhân vi sinh gây ra ngộ độc của bánh mỳ Phượng ảnh 1Các mẫu thực phẩm tại cơ sở Bánh mỳ Phượng Hội An được lưu lại để điều tra. (Nguồn: Báo Quảng Nam)

Ngày 29/9, Tiến sỹ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết Sở đã thống nhất chủ trương hợp tác với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford, Quỹ Wellcome Trust tại Việt Nam triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu khảo sát tác nhân vi sinh gây ra chuỗi ngộ độc thực phẩm Bánh mỳ Phượng tại Hội An."

Đề tài do Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford, Quỹ Wellcome Trust tại Việt Nam (đặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 764 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) chủ trì và thực hiện.

Sở Y tế Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Viện Pasteur Nha Trang cho ý kiến về đề xuất của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford, Quỹ Wellcome Trust tại Việt Nam xin được chia sẻ tác nhân vi sinh phân lập từ Viện trong chuỗi ngộ độc thực phẩm bánh mỳ Phượng tại Hội An để thực hiện đề tài khoa học nói trên.

Theo Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, sau vụ 313 người bị ngộ độc khi ăn bánh mỳ Phượng ở phường Minh An, thành phố Hội An, ngành Y tế tỉnh đề nghị các địa phương, ngành liên quan tăng cường quản lý, kiểm tra, thông tin tuyên truyền về an toàn thực phẩm đến cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng để không xảy ra vụ ngộ độc tương tự.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết kết quả điều tra và kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm bánh mỳ Phượng của Viện Pasteur Nha Trang, có 7 mẫu dương tính với khuẩn Bacillus cereus sinh độc tố và Salmonella. Hai loại vi khuẩn nguy hiểm này được phát hiện trong chả lợn, thịt lợn xíu, xíu mại, rau răm, xà lách, hành, dưa leo. Đây chính là nguyên nhân làm 313 người bị ngộ độc thực phẩm vào ngày 11/9 tại thành phố Hội An.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh chia sẻ, sau vụ việc, thành phố chỉ đạo ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Mặt khác, thành phố tăng cường truyền thông quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt, tại địa điểm du lịch, trường học, nơi tập trung đông người.

[Phát hiện vi khuẩn gây ngộ độc trong bánh mỳ Phượng ở Quảng Nam]

Để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế Quảng Nam yêu cầu, trung tâm y tế huyện, thành phố, bệnh viện đa khoa, cơ sở y tế nhanh chóng báo cáo về Sở Y tế, qua Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm khi xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn hoặc khi các bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện do nghi ngờ liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm nhằm tổ chức điều tra, xử lý kịp thời. Cùng với đó là tổ chức cấp cứu, điều trị đối với bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, trường hợp có diễn biến nặng phải hội chẩn, chuyển lên tuyến trên điều trị kịp thời.

Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm chủ trì phối hợp với đơn vị chức năng xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định, thực hiện lấy mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur Nha Trang hoặc các Viện chuyên ngành xác định nguyên nhân, công khai kết quả kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Nghiên cứu khảo sát tác nhân vi sinh gây ra ngộ độc của bánh mỳ Phượng ảnh 2Xếp hàng mua Bánh mỳ Phượng. (Nguồn: Báo Quảng Nam)

Để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường, thực phẩm được chế biến, bày bán tại cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cần ăn chín, uống sôi...

Trường hợp xuất hiện triệu chứng ngộ độc như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, ngành Y tế Quảng Nam đề nghị ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường truyền thông tới nhân dân, đặc biệt trường hợp người dân kinh doanh buôn bán trên địa bàn; chỉ đạo đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh buôn bán sai quy định.

Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tăng cường hướng dẫn chuyên môn cho cơ sở kinh doanh mặt hàng thực phẩm, phối hợp kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt tại địa điểm du lịch, khu công nghiệp, trường học, nơi tập trung đông người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục