Sự cố bánh mỳ Phượng và chuyện bảo vệ thương hiệu du lịch văn hóa

Các chuyên gia du lịch đều lấy làm tiếc trước sự cố của bánh mỳ Phượng - một thương hiệu khá nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam), được đông đảo du khách trong nước, quốc tế biết đến.
Sự cố bánh mỳ Phượng và chuyện bảo vệ thương hiệu du lịch văn hóa ảnh 1Một cửa hàng bán bánh mỳ. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Vừa qua, gần 150 du khách đã phải nhập viện, điều trị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ Phượng, trong đó có 30 khách nước ngoài. Đến nay, toàn bộ người bị ngộ độc đã xuất viện.

Chủ cơ sở sản xuất bánh mỳ Phượng đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng, đăng trên Fanpage của tiệm, Facebook cá nhân bà chủ Trương Thị Phượng...

Bánh mỳ Phượng là thương hiệu nổi tiếng ở Hội An từ hơn 35 năm qua. Thương hiệu bánh mỳ này được mở tại Hàn Quốc và được đầu bếp Anthony Bourdain của Mỹ mệnh danh là món "bánh mỳ ngon nhất thế giới."

Các loại nhân, rau ăn kèm rất đa dạng, dưa leo, dưa muối, rau quế, ngò, hành... đều xuất phát từ làng rau sạch Trà Quế, Hội An. Sự kết hợp vừa vặn giữa nguyên liệu và nước sốt đã khiến món ăn này trở nên hấp dẫn thực khách. Hầu hết du khách đến Hội An đều ít nhất một lần kiên nhẫn xếp hàng để mua, ăn bằng được ổ bánh mỳ Phượng.

Do đó, rất nhiều người, trong đó có chuyên gia du lịch đều lấy làm tiếc trước sự cố của bánh mỳ Phượng - một thương hiệu khá nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam), được đông đảo du khách trong nước, quốc tế biết đến.

Cho dù là sự cố xảy ra do bất cứ nguyên nhân nào, vụ việc cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch nói chung và kinh tế Hội An và cơ sở này nói riêng.

Nhiều người đã lên tiếng cảnh báo việc giữ gìn thương hiệu, hình ảnh điểm đến nổi tiếng bởi thương hiệu không phải là xây dựng được trong một sớm một chiều. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo để Hội An cũng như các điểm đến khác trong nước kiểm soát chặt hơn an toàn thực phẩm, nhất là ẩm thực đường phố.

Ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng Phòng Quản lý Xúc tiến Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ có thể nói rằng ẩm thực là một yếu tố cấu thành quan trọng trong chuyến đi của du khách.

Trong văn hóa của các nước thì ẩm thực không chỉ là ăn uống mà còn là văn hóa, đặc trưng, sinh hoạt vùng miền. Đối với các điểm đến du lịch ở châu Á, trong đó có Việt Nam, ẩm thực luôn là sản phẩm được du khách quốc tế quan tâm tìm kiếm, khi họ đến vùng miền nào cũng sẽ lựa chọn ẩm thực đầu tiên để khám phá.

Ông Nguyễn Quý Phương rất lấy làm tiếc về sự cố với thương hiệu bánh mỳ Phượng và mong đây sẽ là bài học cho các địa phương, doanh nghiệp trong đảm bảo chất lượng hàng hóa, nhất là ẩm thực để phục vụ du khách.

Ông cũng nêu rõ chúng ta phải nhận thức rõ rằng sẽ không thể chỉ tôn vinh sản phẩm mà còn phải nỗ lực giữ uy tín, chất lượng sản phẩm, phong cách phục vụ để đó không chỉ đơn thuần là ẩm thực mà còn là văn hóa, hướng tới nâng tầm đưa ẩm thực thành thương hiệu của du lịch Việt Nam và có thể là thương hiệu quốc gia.

[Phát hiện vi khuẩn gây ngộ độc trong bánh mỳ Phượng ở Quảng Nam]

Chiến lược Phát triển Thương hiệu Du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã nêu rõ phát triển thương hiệu du lịch quốc gia trên cơ sở phát triển các thương hiệu du lịch vùng, thương hiệu du lịch địa phương, thương hiệu điểm du lịch, thương hiệu sản phẩm du lịch và thương hiệu doanh nghiệp du lịch.

Các giá trị của thương hiệu du lịch Việt Nam được truyền tải qua 4 dòng sản phẩm: du lịch văn hóa, du lịch biển đảo, du lịch gắn với thiên nhiên và du lịch thành phố.

Ẩm thực Việt Nam luôn hấp dẫn du khách, được truyền thông quốc tế vinh danh, đánh giá cao. Trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thì các món ăn luôn thu hút du khách quốc tế thưởng thức. Trong sản phẩm du lịch văn hóa, ẩm thực luôn là yếu tố quan trọng, là điểm mạnh để marketing cho điểm đến với điểm nhấn là chất liệu món ăn, văn hóa vùng miền cho đến văn hóa ẩm thực, tạo sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam.

Các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm trong hoạt động du lịch ở đều có đầy đủ, vấn đề nằm ở việc triển khai. Một mặt, phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh nhưng quan trọng hơn, phải đảm bảo an toàn cho du khách, trong đó có an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sự cố bánh mỳ Phượng và chuyện bảo vệ thương hiệu du lịch văn hóa ảnh 2Du khách thưởng thức đặc sản địa phương. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam luôn coi trọng yếu tố đảm bảo an toàn cho khách du lịch, trong đó an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Bộ thường xuyên có văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện, nhất là dịp cao điểm, nghỉ lễ dài ngày.

Do đó, các cơ quan chức năng, đơn vị tại địa phương cần nghiêm túc thực hiện, hướng dẫn để cơ sở du lịch, ẩm thực thấy được trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho du khách là an toàn cho chính mình.

Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ là của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương mà còn là vấn đề bảo vệ, giữ vững thương hiệu đã được cá nhân, đơn vị dày công xây dựng.

Thêm vào đó, cộng đồng cũng cần liên tiếng nói, góp ý kiến nếu thấy các điểm bất cập, chưa hài lòng để cơ sở ẩm thực, dịch vụ tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Điều này góp phần chung tay tạo ra sản phẩm, trải nghiệm ngày càng tốt hơn cho du khách đồng thời xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục