Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu mở rộng đường dẫn Cầu Thái Hà nối Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình qua địa phận tỉnh Hà Nam.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu Thái Hà vượt Sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT (hay còn gọi là Dự án BOT cầu Thái Hà) có tổng chiều dài khoảng 5,6km, quy mô 2 làn xe. Tổng mức đầu tư khoảng 1.709 tỷ đồng; khởi công năm 2014, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018.
Dự án đầu tư tuyến đường bộ nối đường Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (hay còn gọi là dự án đường nối hai cao tốc) có tổng chiều dài 47,7km, quy mô 4 làn xe, phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn (giai đoạn 1 đầu tư quy mô 2 làn xe, giai đoạn 2 mở rộng quy mô 4 làn xe); chia thành 2 dự án thành phần (dự án thành phần 1 qua địa phận tỉnh Hưng Yên và dự án thành phần 2 qua địa phận tỉnh Hà Nam).
Để đáp ứng nhu cầu vận tải, hiện nay các tỉnh Hà Nam và Hưng Yên đang triển khai đầu tư giai đoạn 2, mở rộng bảo đảm quy mô 4 làn xe.
Tuy nhiên, đối với đoạn tuyến dài khoảng 1,3km kết nối từ cuối dự án thành phần 1 đến đầu dự án thành phần 2 thuộc phạm vi đường dẫn Cầu Thái Hà (Dự án BOT cầu Thái Hà) hiện đang khai thác với quy mô 2 làn xe; nếu không thực hiện mở rộng đoạn tuyến này sẽ không bảo đảm khai thác đồng bộ quy mô 4 làn xe cùng với hai dự án thành phần do địa phương đang đầu tư mở rộng, tạo thành điểm nghẽn về giao thông, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.
3.241 tỷ đồng xây đường nối cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ với Vành đai 3
Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất việc cần thiết đầu tư mở rộng, bảo đảm khai thác đồng bộ quy mô 4 làn xe đối với đoạn tuyến 1,3km thuộc phạm vi đường dẫn Cầu Thái Hà.
Hiện nay, Dự án BOT Cầu Thái Hà đã hoàn thành và đang thu phí hoàn vốn nhưng do doanh thu thu phí bị sụt giảm, nhiều phương tiện lựa chọn đi theo hướng Cầu Hưng Hà để không phải mất phí khiến nguồn thu phí không đủ bù đắp chi phí bảo trì, trả lãi vay nên nhà đầu tư không cân đối được nguồn vốn để thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến 1,3km nêu trên.
Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam và nhà đầu tư Dự án BOT Cầu Thái Hà, nghiên cứu phương án phù hợp để triển khai đầu tư mở rộng đoạn tuyến khoảng 1,3km thuộc phạm vi đường dẫn Cầu Thái Hà bảo đảm quy mô 4 làn xe, nhằm khai thác đồng bộ với tuyến đường nối hai cao tốc./.