Ngoại thương Mỹ Latinh và Caribe tăng trưởng chậm

Theo CEPAL ngày 14/9, năm nay, ngành ngoại thương Mỹ Latinh và Caribe tiếp tục tăng trưởng chậm lại chủ yếu do khủng hoảng kinh tế.
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) ngày 14/9 nhận định trong năm nay, ngành ngoại thương khu vực này tiếp tục tăng trưởng chậm lại chủ yếu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.

Trong báo cáo hàng năm mang tên "Toàn cảnh hội nhập quốc tế của Mỹ Latinh và vùng Caribe 2011-2012" công bố ngày 14/9, CEPAL dự báo trong năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ Latinh chỉ đạt 4% và nhập khẩu đạt 3%, thấp gần 20% so với con số đạt được trong năm 2011.

Theo CEPAL, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng tiền chung châu Âu, sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế Mỹ cũng như tính năng động của kinh tế Trung Quốc và một số nền kinh tế mới nổi khác bị giảm sút, tác động mạnh đến ngành ngoại thương của khu vực Mỹ Latinh và Caribe.

CEPAL cũng dự báo hoạt động xuất nhập khẩu của Mexico và Trung Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trung bình của khu vực với con số lần lượt là 7,3% và 5%. Tuy nhiên, tại Nam Mỹ, tỷ lệ trên lần lượt là 1,1% và 3,2%, thấp hơn nhiều so với bình quân khu vực.

Trao đổi thương mại tại các quốc gia vùng Caribe cũng có xu hướng sụt giảm mạnh, với kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu dự báo chỉ tăng lần lượt 0,7% và 2,1% do sự phụ thuộc ngày càng sâu vào thị trường châu Âu.

Trong ba tháng cuối năm 2011 và bốn tháng đầu năm nay, ngoại thương Mỹ Latinh và Caribe đạt mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, kể từ quý 2/2012, xu thế này đã bị đảo ngược dưới tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Theo nhận định của CEPAL, sự sụt giảm này đã tác động đến hoạt động thương mại với các đối tác quan trọng trong khu vực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Liên minh châu Âu đã giảm 5% trong sáu tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên, CEPAL vẫn khẳng định các nền kinh tế đang phát triển vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế và ngoại thương thế giới trong năm nay mặc dù với tốc độ tăng trưởng chậm.

Do đó, báo cáo nhấn mạnh các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe cần tăng cường củng cố quan hệ với các nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng trên thế giới.

Bên cạnh đó, CEPAL đồng thời khuyến cáo các nước trong khu vực này cần tập trung tăng năng suất lao động, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển hạ tầng, cải thiện công tác hậu cần và vận tải nhằm tạo đà tăng trưởng cho ba năm tiếp theo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục