Litva hy vọng việc gia nhập Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) từ ngày 1/1/2015 sẽ mang thêm động lực tăng trưởng cho nước này vào thời điểm mối quan ngại về cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga đang lên cao. Tuy nhiên, nhiều người dân ở quốc gia vùng Baltic này lo ngại việc chuyển sang sử dụng đồng tiền chung châu Âu sẽ đi kèm với khả năng giá cả leo thang.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP, Bộ trưởng Tài chính Litva, Rimantas Sadzius nói rằng mối quan ngại về an ninh nằm trong số những lý do mà người dân ủng hộ việc gia nhập Eurozone.
Bộ trưởng cho hay việc chuyển sang sử dụng đồng euro là bước tiến quan trọng thứ ba để Litva hội nhập sâu hơn vào cộng đồng Tây Âu, sau khi nước này gia nhập Liên minh châu (EU) và Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2004.
Khảo sát của Ngân hàng trung ương Litva hồi tháng 11/2014 cho hay 53% dân số nước này ủng hộ việc chuyển từ đồng nội tệ litas sang đồng euro, so với 39% phản đối. Tuy nhiên, sự ủng hộ của người dân có vẻ dao động và số người ủng hộ sự kiện này đã giảm xuống dưới 50%, do họ lo ngại đồng euro sẽ không giúp tăng lương hay lương hưu mà chỉ làm giá cả bị đội thêm lên.
Chính phủ Litva nhận định việc gia nhập Eurozone sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng cho kinh tế nước này. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo Litva cần tránh đi vào vết xe đổ của Hy Lạp, nước mang trên vai gánh nợ lớn do vay nợ nhiều trong thời điểm lãi suất thấp trong khi các quy định tài chính khá lỏng lẻo.
Các cửa hàng và doanh nghiệp Litva sẽ niêm yết giá bằng cả đồng nội tệ litas lẫn đồng euro cho tới tháng 6/2015. Trên thực tế, đồng litas của Litva được gắn với đồng euro từ năm 2002, động thái khiến cho nước này phụ thuộc hơn vào Ngân hàng Trung ương châu Âu. Litva hy vọng gia nhập Eurozone từ năm 2007, song khi đó nước này đã không đạt tiêu chí về lạm phát.
Litva đã rơi vào suy thoái sâu trong năm 2009 trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nỗ lực cải cách và thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đã đưa Litva trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong EU với mức tăng GDP khoảng 3% trong những năm gần đây, mở đường cho nước này gia nhập Eurozone.
Hai quốc gia vùng Baltic khác là Estonia và Latvia đã gia nhập khu vực này từ năm 2011 và 2014./.