Gượng dậy sau lũ dữ

Người dân miền Trung gượng dậy sau cơn lũ dữ

Đợt lũ đi qua, người dân ở Hương Khê, Hà Tĩnh vừa phải tất bật khắc phục hậu quả sau lũ, vừa phải tìm lại nhịp sản xuất thường nhật.
Con đường dẫn vào xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh qua mấy ngày bị lũ quần đã biến dạng, méo mó đến thảm hại. Lớp bùn dày bị thiêu đốt dưới ánh Mặt Trời giờ đã khô đặc, tạo thành những vệt dài loang lổ khắp mặt đường. Hàng cây ven đường cũng không thoát cảnh bị bùn bám chặt, nhuộm một màu nâu vàng. Một màu bàng bạc phủ kín trên những cánh đồng rộng mênh mông.

Càng đi sâu vào xã Hương Đô, đường càng khó đi. Từng khúc cây lớn theo nước từ thượng nguồn về nằm ngổn ngang khắp các lối đi. Những con thuyền được người dân chạy lũ giờ nằm dài trước cửa. Nhiều căn nhà, nước ngập sâu vẫn in đậm vết ngấn cao tít gần chạm nóc.

Bà con Hương Đô đang nhanh chóng vào cuộc khắc phục hậu quả sau lũ. Ở bất cứ đâu, chúng tôi cũng bắt gặp mọi người đang tất bật dọn bùn, lau dọn đồ đạc, sửa sang nhà cửa.

Đợt lũ đi qua, người dân vừa phải tất bật tìm lại nhịp sản xuất thường nhật. Ở những nơi đó, cuộc sống vẫn tiếp diễn dù cho bao khó khăn còn ngổn ngang trăm bề.

Chỉ tay về phía hàng tre bên đường, Thiếu tướng Nguyễn Văn Học - Chỉ huy trưởng thường trực Quân Khu IV không khỏi xót xa: “Cũng may siêu bão Megi không vào chứ nếu không cây cối bị ngâm trong nước đã bị lỏng hết ra rồi. Chỉ thêm một trận bão nữa thôi mọi thử sẽ bị đổ sạch.”

Tại trung tâm Ủy ban Nhân dân xã Hương Đô, bàn ghế xếp thành dãy nằm ngổn ngang trước cửa sân. Bùn đã khô cong bám chặt vào đồ đạc, thậm chí có chỗ bàn gỗ vốn bị mối làm tổ giờ gặp nước tã ra, thủng nham nhở.

Đổ xấp tài liệu vừa thu dọn trong nhà được nhét vào bao tải, anh Nguyễn Công Thanh đang tỉ mẩn cầm vòi phun nước xối thẳng vào bao tải để rũ bùn. Dòng nước ào ào xối vào kéo theo một lớp bùn đặc sệt.

Chỉ tay lên trần nhà, anh Thanh cho hay, mấy hôm trước, nước lũ dâng cao lên sát mái nhà, toàn bộ xã Hương Đô ngập sâu trong biển nước. Ngay cả nơi cao như Ủy ban xã cũng bị nước nhấn chìm.

Mọi ngõ ngách vào thôn bùn đất đục ngầu, tất cả cây cối hoa màu đều bị lũ cuốn theo sông Ngàn Sâu. Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Mặt trận xã Hương Đô vô hồn nhìn về phía dòng sông chưa thể tin những gì xảy ra.

Sau nhiều đêm phờ phạc chiến đấu với dòng lũ dữ, giọng khản đục, ông Cường tâm sự: “Nước lũ đi qua nhấn chìm hết đồ đạc và nhà cửa. Thế nhưng, vấn đề quan trọng nhất bây giờ không phải là tiếc thương những gì đã mất mà quan trọng hơn là cần sớm ổn định cuộc sống trước mắt cho bà con.”

Vượt lên trên tất cả những đau thương mất mát, không khí khôi phục làng đang diễn ra hối hả. Từ trường mẫu giáo đến trường trung học cơ sở, thầy cô cùng phụ huynh, học sinh bì bõm trong bùn cứu bàn ghế sách vở, dọn dẹp trường lớp.

Tay cầm chiếc xẻng, mặt nhá nhem vì bùn, em Phạm Trung Hiếu - học sinh trường Trung học cơ sở Hưng Đô đang cùng các bạn học sinh trong trường đang cố xúc lớp bùn dày gần 20cm trong khắp các lớp học.

“Tới tận hôm nay, chúng em mới quay lại trường từ khi lũ về. Bức tường trắng giờ đã mốc mèo vì nước lũ.. Bọn em sẽ gắng hết sức để lau rửa sạch sẽ, đợi tới ngày được đến lớp,” Hiếu chia sẻ.

Không khí rộn ràng ấy cũng đang lan ra khắp nơi trên khắp các xã nơi rốn lũ Hương Khê. Ngay từ khi trời ngừng mưa cách đây vài ngày, thầy cô giáo trường tiểu học xã Lộc Yên đã bảo nhau quay về trường dọn dẹp. Phần lớn sách vở trong trường đều đã bị nước ngâm rách tả tơi. Bùn bám dính, công kênh nhau vươn cao quá mắt cá chân người. Bùn len lỏi cả vào mấy bộ hộp vẽ, bút chì, vào từng ngăn bàn của đám học trò.

“Thế nên, anh chị em hì hục dọn dẹp suốt ba ngày nay mà lớp bùn vẫn còn xâm xấp phía ngoài sân. Có thể phải cả tuần nữa mới đón học sinh trở lại trường được,” một cô giáo trong trường tâm sự.

Tận dụng mấy ngày nắng, toàn bộ sân trường được cơ động thành một sân phơi khổng lồ. Mấy bộ bàn ghế bị mối xông giờ trải dài khắp sân trường. Các thầy cô còn tận dụng cả mặt bàn, thành ghế làm chỗ phơi hết thảy những gì chưa bị con nước dữ cuốn đi.

Chung tay cùng với thầy cô giáo trường tiểu học xã Lộc Yên, lực lượng áo xanh của thanh niên tình nguyện cũng chẳng nề hà xắn tay áo vào cuộc. Lớp bùn dính chắc là thế nhưng cũng đang dần bong tróc dưới bàn tay của hàng chục thanh niên được huy động từ khắp nơi trong xã.

Ông Trần Đình Lâm - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lộc Yên, một trong các điểm ngập sâu của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cho hay hiện tại ở xã, việc làm đầu tiên và trước mắt là xử lý điện và nước sạch theo theo hình thức cụm và gia đình.

Theo ông Trần Văn Sáng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hương Khê, công tác trước mắt sau lũ phải sớm ổn định cuộc sống người dân, toàn huyện đang gấp rút để đưa bà con trở về với cuộc sống thường nhật với nhiều biện pháp như: khôi phục sản xuất bằng cách trồng vụ đông ngắn ngày như khoai lang, rau; dọn dẹp vệ sinh môi trường; đảm bảo nước sạch cho người dân; khôi phục cơ sở hạ tầng.

Tại huyện Can Lộc, khắp nơi người dân cũng đang tất bật lau dọn nhà cửa, khôi phục lại sản xuất.

Có mặt tại xã Xuân Lộc, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các em nhỏ trong trang phục học sinh đạp xe vội vã tới trường để lau chùi cửa sổ, dọn dẹp sân trường.

Tay cầm các dụng cụ, không ai bảo ai, mọi người tự giác cặm cụi làm việc mong mau chóng lại được cắp sách tới trường.

Không chỉ Hương Khê, Can Lộc, trên mọi nẻo đường của miền Trung ruột thịt, khi cơn lũ đi qua, công cuộc “kiến thiết” cuộc sống của người dân đang hối hả hơn bao giờ hết./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục