Người dân Nghệ An nô nức trẩy hội đền Quả Sơn dịp đầu Xuân

Người dân huyện Đô Lương và các vùng lân cận tỉnh Nghệ An nô nức trẩy hội đền Quả Sơn - lễ hội truyền thống tri ân công lao của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và các vị nhân thần có công với nước.
Người dân Nghệ An nô nức trẩy hội đền Quả Sơn dịp đầu Xuân ảnh 1Lễ xuất thần, rước bộ - nét đẹp văn hóa trong lễ hội đền Quả Sơn. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Từ ngày 5-7/3 (tức từ ngày 18-20 tháng Giêng năm Mậu Tuất), người dân huyện Đô Lương và các vùng lân cận tỉnh Nghệ An nô nức trẩy hội đền Quả Sơn - lễ hội truyền thống tri ân công lao của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và các vị nhân thần có công với nước.

Lễ hội này còn thể hiện một nét đẹp trong đời sống sinh hoạt cộng đồng làng xã.

Đền Quả Sơn là một trong những ngôi đền có tiếng linh thiêng ở xứ Nghệ. Đền được nhân dân xây dựng dưới chân núi Quả tại làng Miếu Đường, xóm Bạch Đường, huyện Nam Đường (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương). Đền là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - vị Tri châu có công xây dựng quê hương xứ Nghệ và mở mang, bảo vệ bờ cõi quốc gia.

Nét đặc sắc của lễ hội đền Quả Sơn là phần Lễ rước thần Uy Minh Vương Lý Nhật Quang lên tạ ơn Bà Bụt ở Chùa Bà Bụt hay còn gọi là Tiên tích tự ở cách đền 4 km về phía Tây thuộc xã Lam Sơn, huyện Đô Lương. Tương truyền, Bà Bụt là người thường xuyên linh ứng phù giúp Lý Nhật Quang trong việc kinh bang tế thế và là người chỉ cho Lý Nhật Quang nơi quy hóa, hiển thánh dưới chân núi Quả.

Cứ 2 năm một lần, vào các năm chẵn, lễ rước được tổ chức theo đường thủy ngược dòng sông Lam và đường bộ qua 5 làng (Thanh Xuân, Nhân Bồi, Phúc Hậu, Nhân Trung và Trạc Thanh).

Lễ hội có hai phần chính: Phần lễ và phần hội. Tại phần hội có chương trình văn nghệ, giao lưu các câu lạc bộ dân ca của huyện; đêm hoa đăng trên dòng sông Lam; tổ chức gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản của địa phương; hoạt động thể thao, trò chơi dân gian truyền thống.

Lễ hội đền Quả Sơn là điểm nhấn du lịch văn hóa tâm linh của huyện Đô Lương; từ đó hình thành các tour du lịch liên huyện như Nam Đàn, Tân Kỳ hoặc khai thác tour du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh Nghệ An như Cột mốc số 0-đền Quả Sơn-Truông Bồn-quê Bác...

Theo sử cũ và thần tích đền Quả Sơn, năm 1039, Lý Nhật Quang được nhà vua cử vào trông coi việc tô thuế ở vùng đất Nghệ An với tước hiệu "Uy Minh Thái tử."

Năm 1041, Lý Nhật Quang được bổ nhiệm làm Tri châu Nghệ An với tước hiệu "Uy Minh hầu Lý Nhật Quang." Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò và ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang với vùng đất Nghệ An.

Năm 1044, vua Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước "Hầu" lên tước "Vương" thành Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và ban cho ông quyền "Tiết Việt" (tức là có quyền thay mặt nhà vua, được vua tin cậy và ủy thác quyền được định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An).

Trong quá trình thay vua trị vì xứ Nghệ, với đường lối Vương đạo, thân dân cùng nhiều chủ trương, chính sách cải cách phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa… Lý Nhật Quang đã có công củng cố, xây dựng Nghệ An từ một vùng đất "biên viễn," "phên dậu" trở thành một trọng trấn, pháo đài kiên cố về quân sự, kinh tế, văn hóa không chỉ đối với nhà Lý mà cả các triều đại về sau.

Năm 1057, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang quy hóa và hiển thánh ngay dưới chân núi Quả. Nhân dân xứ Nghệ đã lập đền thờ ông đúng nơi ông quy hóa và hiển thánh, gọi là đền Quả Sơn.

Cùng với đền Quả Sơn tại xã Bồi Sơn, hiện nay trên đất Nghệ An còn có hơn 30 ngôi đền khác cũng được lập để thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục