Ở thời điểm này, tại khúc sông Khê Hòa giữa xã Tịnh Khê và xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi, rất đông người hành nghề khai thác rau câu mỗi ngày.
Không chỉ dân bản địa, mà người dân các tỉnh khác như Bình Định, Phú Yên cũng về đây khai thác loại rau này.
Mỗi người vớt được khoảng 50kg rau câu/ngày, với giá bán từ 6.000-7.000 đồng/kg, nhiều người dễ dàng có thu nhập từ 300.000-400.000 đồng/ngày.
Rau câu sinh sôi nhiều ở những vùng nước lợ. Thời điểm cho thu hoạch nhiều nhất là từ tháng Giêng đến tháng Sáu hàng năm. Với cách khai thác thủ công, người dân chỉ cần một chiếc thuyền hoặc thúng nhỏ, lặn xuống vớt rau câu, rồi đổ lên thuyền.
Với kinh nghiệm lâu năm, ông Lê Thanh Sang trú ở xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết nước sông càng lớn thì tuổi thọ của rau câu càng lâu, còn nếu mực nước hạ thấp thì chỉ sau 2-3 tháng, rau sẽ chết.
Ông Nguyễn Hữu Lành, thôn Châu Mai, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn chia sẻ lượng rau vớt được nhiều hay ít là tùy thuộc vào sức khỏe mỗi người, bởi nghề này đòi hỏi phải ngâm mình trong nước thời gian dài. Do ở xa nên ông phải dựng lều tạm để dự trữ số rau khô, khi được 2,5-3 tấn thì thuê xe ôtô chở về bán cho đại lý thu mua ở Tam Quan, Bình Định.
Hiện tại, mặt hàng này bán chạy hơn so với mọi năm, đặc biệt là khi thời tiết nắng gắt kéo dài. Rau câu được thu mua số lượng lớn cung cấp cho các cơ sở chế biến thạch rau câu trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài./.