Người dân tìm cách cân bằng thời gian, chi phí khi đi tàu trên cao

Do tàu điện Cát Linh-Hà Đông chưa có sự đồng bộ cao, nhiều người phải kết hợp đi xe máy, mua xe có thể gấp gọn hay phải bắt xe ôm... thường chỉ tối ưu được một trong hai yếu tố thời gian hoặc chi phí.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông giờ đây đã là phương tiện quen thuộc với nhiều người dân sinh sống tại quận Hà Đông cần đi làm tại các quận trung tâm.

Tuy nhiên hiện nay, hệ thống đường sắt trên cao chưa có sự đồng bộ cao nên nhiều người phải kết hợp thêm các phương tiện khác, bao gồm các phương tiện cá nhân để tối ưu hóa về thời gian và chi phí đi lại.

Một số người dân chọn đi tàu điện kết hợp xe buýt, tuy nhiên, thời gian chờ buýt có thể lâu hơn dự kiến. Do đó, nhiều người kết hợp phương tiện cá nhân như xe máy, xe đạp gửi ở hai đầu điểm đi và điểm đến, chấp nhận phát sinh chi phí như tiền gửi xe qua đêm để đổi lấy sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian.

[Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển gần 6 triệu lượt hành khách]

Sáu tháng sau khi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đi vào sử dụng, ban quản lý đã cho phép người dân mang xe đạp gấp gọn lên tàu. Đây cũng là những phương tiện quen thuộc của những người di chuyển không quá xa từ điểm khởi hành đến ga tàu và từ ga tàu đến nơi làm việc.

Song việc kết hợp nhiều phương tiện chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, bởi điều mà người dân mong muốn là sự đồng bộ hóa, kết nối cao giữa các phương tiện công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân, giảm tắc đường và tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), tính đến đầu tháng 10/2022, đã có 6,5 triệu lượt hành khách được vận chuyển. Mỗi ngày tàu đón khoảng 31.000 lượt khách, 70% số khách đã đăng ký vé tháng để đi học, đi làm./.

(Vietnam+)