Người giữ mạch tin thông tấn trong những ngày Giải phóng miền Nam

Với ông Phạm Lộc, những ngày đầu đặt nền móng xây dựng cơ sở kỹ thuật Đài thu phát tin dự phòng T6 của Việt Nam Thông tấn xã hay giây phút mừng Giải phóng miền Nam là những kỷ niệm không thể quên.
Kỹ sư Phạm Lộc đang say sưa đọc Nội san Thông tấn. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Kỹ sư Phạm Lộc đang say sưa đọc Nội san Thông tấn. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Dù gần nửa thế kỷ đã trôi qua, mỗi lần nhắc đến những năm tháng chiến tranh, nhất là cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỹ sư vô tuyến điện Việt Nam Thông tấn xã Phạm Lộc năm xưa lại tràn đầy nhiệt huyết.

Với ông, dấu ấn về những ngày đầu đặt nền móng xây dựng cơ sở kỹ thuật Đài thu phát tin dự phòng T6 của Việt Nam Thông tấn xã hay những ngày lăn lộn trong chiến trường, chứng kiến giây phút mừng chiến thắng Giải phóng miền Nam là những kỷ niệm không thể quên.

Tâm huyết về một hệ thống thông tin chủ động, hiện đại

Trôi theo dòng ký ức, ông Phạm Lộc kể rằng, năm 1964, thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ,Việt Nam Thông tấn xã vừa chuẩn bị nơi sơ tán, vừa chuẩn bị các cơ sở kỹ thuật mới để dự phòng. Dựa vào lợi thế có hang núi đá, địa điểm Đài thu phát tin dự phòng T6 Hà Tây (nay là Hà Nội), có thể tránh sự oanh tạc của máy bay Mỹ trong chiến tranh.

Nhớ lại những ngày đầu xây dựng cơ sở dự phòng T6, ông Phạm Lộc cho biết, khẩu hiệu hành động của cán bộ, công nhân viên Việt Nam Thông tấn xã thời đó là “khoét hang, đào núi, dùng sức người đưa máy móc đến nơi an toàn," chịu đựng gian khổ để làm việc.

Khi đó, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên của Đài thu phát tin T6 đa phần còn trẻ nên đầy nhiệt huyết với công việc. Có những máy thu cao 1,8m, nặng hàng tấn nhưng mọi người đều tự khiêng vác, lắp đặt an toàn. Để chôn trụ cột ăng ten thu phát trên núi, anh em phải cõng từng bao cát, ximăng, xách từng xô nước lên trộn hồ vữa.

Trong thời gian này, với trách nhiệm là Trưởng Đài thu phát tin dự phòng T6, kỹ sư Phạm Lộc cùng anh chị em không quản ngại khó khăn, dốc lòng xây dựng Đài, làm tròn nhiệm vụ được giao. Ông và anh chị em trong Đài có nhiệm vụ thu và phát tin ảnh dự phòng cho Việt Nam Thông tấn xã, đồng thời phát các bản tin của Việt Nam Thông tấn xã cho các khu vực B1, B2, B3, B5 cùng các phân xã trong nước.

[Ký ức không bao giờ quên của những phóng viên chiến trường GP10]

Ông Phạm Lộc cũng kể rằng, trước yêu cầu đổi mới phương thức thu phát ảnh, ông được cơ quan cử sang nước ngoài học tập để có thể thu ảnh bằng phương thức F4 (digital) thay cho phương pháp A4 (analog) cũ.

Sau khi về nước, kỹ sư Phạm Lộc đã thay đổi một số mạch điện trong thiết bị thu của máy KMPU (của Liên Xô) và hướng dẫn cho anh chị em điều âm viên của Phòng Kỹ thuật Việt Nam Thông tấn xã thu theo phương thức F4. Kết quả, việc thu telephoto của các hãng thông tấn các nước được từ 5-6 ảnh mỗi ngày, đã tăng lên 50-60 ảnh với chất lượng tốt.

Người giữ mạch tin thông tấn trong những ngày Giải phóng miền Nam ảnh 1Dù nghỉ hưu, kỹ sư Phạm Lộc vẫn dành quan tâm đến Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Cùng với việc thu phát tin cho Việt Nam Thông tấn xã, Đài thu phát tin dự phòng T6 còn có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên tăng cường cho miền Nam và các đơn vị trong ngành. Anh em Đài thu phát tin dự phòng T6 cùng với cán bộ, điện báo viên, kỹ thuật viên của Việt Nam Thông tấn xã có mặt ở khắp các địa phương, các chiến trường trong những ngày chiến đấu Giải phóng miền Nam. Từ năm 1973, Đài thu phát tin dự phòng T6 trở thành Đài thu phát tin chính thức của Việt Nam Thông tấn xã.

Dấu ấn những ngày Giải phóng miền Nam

Đó là thời điểm ông Phạm Lộc không thể quên khi được góp sức cùng các cán bộ, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tham gia đưa tin về chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Để chuẩn bị ra chiến trường, kỹ sư Phạm Lộc phối hợp với Trưởng Khoa Vô tuyến điện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu phát ảnh bằng phương thức F4 hiệu quả gấp 16 lần công suất phát theo phương thức A4. Các ông cải tiến bộ kích thích máy phát JLD2 để đưa vào kích thích máy phát công suất nhỏ hơn, phù hợp với điều kiện ở chiến trường.

Ngày 2/4/1975, kỹ sư Phạm Lộc cùng đoàn phóng viên (trong đó có các phóng viên Lam Thanh, Văn Bảo, Phạm Vỵ, Trần Mai Hạnh, Nguyễn Hữu Chí và nhân viên vận hành sửa chữa máy nổ Phạm Văn Lược) do Tổng Giám đốc Đào Tùng dẫn đầu vào chiến trường miền Nam, phối hợp cùng Thông tấn xã Giải phóng để đưa tin, ảnh về chiến thắng của quân và dân Việt Nam.

Với chất giọng sôi nổi, ông Phạm Lộc kể rằng, vào đến Tây Ninh, là căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng, ông và anh em kỹ thuật tiến hành phát thử nghiệm tin, ảnh về Hà Nội. Trong những ngày cuộc tổng tiến công vào dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, kỹ sư Phạm Lộc đã khẩn trương huấn luyện cho anh em kỹ thuật khai thác ảnh, đặc biệt thao tác thành thục phương thức thu ảnh mới F4 thay thế cho phương pháp A4 trước đây.

Những bức ảnh đầu tiên của phóng viên ảnh Văn Bảo cùng các bản tin của phóng viên Trần Mai Hưởng về giải phóng Sài Gòn đã kịp thời phát ra Hà Nội. Việt Nam Thông tấn xã là đơn vị đầu tiên thông tin niềm vui chiến thắng đến với đồng bào cả nước.

Thời khắc đáng nhớ nhất với ông là đúng 12 giờ ngày 30/4/1975, đoàn cán bộ Thông tấn xã Giải phóng do Giám đốc Trần Thanh Xuân dẫn đầu từ Tây Ninh về đã tiếp quản trụ sở Việt Tấn xã, cơ quan thông tấn của chính quyền Sài Gòn ở 116-118-120 đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai).

Người giữ mạch tin thông tấn trong những ngày Giải phóng miền Nam ảnh 2Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 1/5, khi đang ở căn cứ tại Tây Ninh, kỹ sư Phạm Lộc và phóng viên Phạm Vỵ nhận được lệnh của Tổng Giám đốc Đào Tùng đã về cùng tiếp quản trụ sở Việt Tấn xã. Khác với hình dung ban đầu của mọi người, Việt Tấn xã hầu như không có nhiều máy móc hiện đại, chỉ vỏn vẹn 10 máy teletype, không có máy phát tin, không có máy truyền ảnh. Việt Nam Thông tấn xã cũng tiếp nhận một số tòa nhà, trong đó có tòa nhà 155 đường Hiền Vương, (nay là đường Võ Thị Sáu) làm trụ sở đại diện của Việt Nam Thông tấn xã tại miền Nam.

Ngay sau đó, cơ sở ở căn cứ Tây Ninh được chuyển về Sài Gòn, tuy vậy, trong quá trình vận chuyển, các thiết bị kỹ thuật đều bị thất lạc. Việc phát tin, ảnh những ngày sau phụ thuộc vào thiết bị của nhóm phóng viên Việt Nam Thông tấn xã đang hoạt động ở phái đoàn Liên hợp quân sự bốn bên ở Trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất. Do thiết bị công suất nhỏ, tin có thể phát được, nhưng ảnh phát rất khó khăn. Khi ấy, kỹ sư Phạm Lộc phải cố nhớ lại, vẽ ra mạch điện đã sử dụng và lắp ở Hà Nội; rồi tìm linh kiện, phụ tùng sẵn có để lắp. Phải mất hai ngày, ông mới hoàn thành và khi phát ảnh về Hà Nội được phản hồi chất lượng tốt.

Từ sau ngày 30/4/1975, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng tập trung đưa tin, ảnh về các hoạt động xây dựng chính quyền mới, trấn áp bọn phản cách mạng, việc trình diện chính quyền cách mạng của ngụy quân, ngụy quyền, về tình hình ổn định đời sống nhân dân các vùng mới giải phóng. Đến năm 1976, Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng hợp nhất thành Thông tấn xã Việt Nam như ngày nay.

Khi đất nước thống nhất, kỹ sư Phạm Lộc và anh chị em Cục Kỹ thuật Thông tấn, sau này đổi thành Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn, cùng nhau xây dựng và phát triển hệ thống kỹ thuật hiện đại, góp phần đưa Thông tấn xã Việt Nam trở thành hãng thông tấn uy tín của Việt Nam. Sau này, ông Phạm Lộc được đề bạt làm Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn của Thông tấn xã Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục