Bất chấp thời tiết giá lạnh trong những ngày đầu năm mới, người người vẫn đổ về các ngôi chùa nổi tiếng như: Chùa Hà, Phúc Khánh, Quán Sứ, Phủ Tây Hồ... cùng cành vàng lá ngọc, tim sen, hương lộc, cây phát tài... với mong muốn có được một năm an lành, nhiều may mắn.
Ngay từ sáng Mùng Một Tết, dọc lối đi dẫn vào Phủ Tây Hồ (Hà Nội), hàng nghìn khách thập phương đã chen nhau đi lễ. Hai bên đường, các hàng bán đồ lễ, đổi tiền mới, viết sớ hoạt động tấp nập. Ôtô, xe máy đậu kín trong bãi, tận dụng từng mảnh đất trống.
Bên trong Phủ, trước ban thờ, con nhang, đệ tử phải chen vai khấn bái. Lễ nằm chồng lên lễ bởi thiếu chỗ đặt trong khi nhiều người lại muốn mâm của mình được nằm ở vị trí đẹp.
Dịch vụ sắp lễ xung quanh phủ Tây Hồ rất đa dạng và giá không cao hơn nhiều so với ngày Rằm, Mùng Một. Nhiều khách du xuân đến Phủ cho hay, họ không dâng lễ mặn, ngọt... như mọi năm mà đặt lễ đen (tiền) và sớ, rồi công đức cho Phủ. Nhờ vậy, các bàn viết sớ, đổi tiền mới, bán cành vàng lá ngọc ven đường đắt khách. Ông Nguyễn Văn Long, phố Hàng Buồm cho biết: "Tôi vừa cung tiến Phủ 200.000 đồng. Làm vậy thiết thực hơn là mua sắm đồ lễ cả trăm nghìn đồng rồi đốt đi".
Tại chùa Phúc Khánh, dòng người chen nhau nhích từng bước. Nhiều trẻ em đã được bố mẹ cõng trên cổ để khỏi bị ngạt thở. Bên trong khói hương nghi ngút. Những tờ tiền mới được bày trên bàn, giắt trên cành cây, bỏ vào hòm công đức.
Không len được vào gian chính, nhiều người đi lễ chùa đầu năm phải vái vọng ngay từ ngoài sân. "Cốt là ở cái tâm của mình chứ đứng ở đâu cũng vậy thôi....", người đàn ông trung niên chia sẻ.
Nhiều người cho rằng chùa Phúc Khánh khá thiêng và nổi tiếng nên ngay từ ngày Mùng Một Tết, nhiều xe biển ngoại tỉnh cũng đổ về đây để thắp hương cầu may. Sau những lời cầu khấn cho một năm mới làm ăn sung túc, nhiều người đến ban thờ Đức ông để rút quẻ đầu năm.
“Năm nào tôi cũng lên chùa Phúc Khánh lễ Phật cầu bình an cho cả gia đình vào đầu năm mới. Năm nay, tôi đưa cả con dâu mới đi lễ chùa để cháu quen dần sau này có đi lễ một mình con biết cách sắp đồ lễ,” bác Nguyễn Thị Liên, Giảng Võ, Hà Nội, chia sẻ.
Chùa Quán Sứ, cũng là trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hầu như lúc nào cũng nhộn nhịp đón khách. Lư hương ở sảnh trước sân chùa nghi ngút khói tạo nên một màn sương mù dày đặc làm cho chốn thiền càng thêm linh thiêng, huyền bí.
Trong chùa đông đúc người cùng những tiếng thì thầm cầu khấn. Tất cả đều rất trang nghiêm, trật tự.
Hơn 20 năm đi hái lộc xuân, chị Nguyên Lan Hương, Tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội tâm sự: "Cứ như thường lệ, vào sáng sớm Mùng Một Tết, tôi cùng người thân đi đến chùa hái lộc và nhận lời chúc đầu năm, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn."
Chùa Hà, quận Cầu Giấy, cũng khá nhộn nhịp bởi giới trẻ Hà Thành coi đây là nơi cầu duyên rất linh nghiệm. Hàng nghìn người đã đến thắp hương rút quẻ, người già thì cầu sức khỏe, người trẻ cầu duyên, cầu tiền bạc.
Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những điểm khai xuân hút khách nhất tại Thủ đô. Hàng ngàn người dân cũng những du khách quốc tế đổ về khu Khuê Văn Các, khu Văn bia tiến sĩ để cầu tài, cầu lộc...
Nhiều ông bố bà mẹ đưa con mình đến Văn Miếu để mong muốn sau này con mình sẽ học hành tấn tới, đỗ đạt cao. Các bạn trẻ đặc biệt hào hứng với Văn Miếu bởi không gian thoáng đãng, nhiều cảnh đẹp để tạo dáng chụp ảnh và cầu cho các kỳ thi sắp tới sẽ suôn sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân ở quận Long Biên cho biết: “Năm nay con trai tôi chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học, tôi muốn đưa cháu đến đây ngày đầu năm để cầu may cho con học tập không bị gặp trắc trở.”
Đặc biệt, rất nhiều du khách nước ngoài cũng vô cùng thích thú được hòa mình vào dòng người đi lễ chùa ngày đầu năm. Mỗi khi nghe người hướng dẫn viên nói đến một đoạn phong tục truyền thống của người Việt và giới thiệu về lịch sử ngôi chùa, mọi người lại ồ lên thú vị.
Với quan niệm "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi," việc đầu tiên nhiều gia đình làm trong ngày đầu năm là đi lễ chùa và không quên mua thêm túi muối để cầu may trong năm mới. Những gói muối nhỏ nhắn xinh xắn, bắt mắt đã thu hút được nhiều du khách.
Theo quan niệm, muối là thứ mặn, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Hơn nữa mua muối đầu năm còn để cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, con cái.
Với người Việt, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để cầu may mắn, mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày vất vả trong cuộc mưu sinh.
Hòa vào dòng người tấp nập đi lễ đầu xuân, trong tiết trời lạnh, tiếng chuông chùa ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ. Nhiều người đến chùa không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn để tìm về và gìn giữ một nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của dân tộc từ bao đời./.
Ngay từ sáng Mùng Một Tết, dọc lối đi dẫn vào Phủ Tây Hồ (Hà Nội), hàng nghìn khách thập phương đã chen nhau đi lễ. Hai bên đường, các hàng bán đồ lễ, đổi tiền mới, viết sớ hoạt động tấp nập. Ôtô, xe máy đậu kín trong bãi, tận dụng từng mảnh đất trống.
Bên trong Phủ, trước ban thờ, con nhang, đệ tử phải chen vai khấn bái. Lễ nằm chồng lên lễ bởi thiếu chỗ đặt trong khi nhiều người lại muốn mâm của mình được nằm ở vị trí đẹp.
Dịch vụ sắp lễ xung quanh phủ Tây Hồ rất đa dạng và giá không cao hơn nhiều so với ngày Rằm, Mùng Một. Nhiều khách du xuân đến Phủ cho hay, họ không dâng lễ mặn, ngọt... như mọi năm mà đặt lễ đen (tiền) và sớ, rồi công đức cho Phủ. Nhờ vậy, các bàn viết sớ, đổi tiền mới, bán cành vàng lá ngọc ven đường đắt khách. Ông Nguyễn Văn Long, phố Hàng Buồm cho biết: "Tôi vừa cung tiến Phủ 200.000 đồng. Làm vậy thiết thực hơn là mua sắm đồ lễ cả trăm nghìn đồng rồi đốt đi".
Tại chùa Phúc Khánh, dòng người chen nhau nhích từng bước. Nhiều trẻ em đã được bố mẹ cõng trên cổ để khỏi bị ngạt thở. Bên trong khói hương nghi ngút. Những tờ tiền mới được bày trên bàn, giắt trên cành cây, bỏ vào hòm công đức.
Không len được vào gian chính, nhiều người đi lễ chùa đầu năm phải vái vọng ngay từ ngoài sân. "Cốt là ở cái tâm của mình chứ đứng ở đâu cũng vậy thôi....", người đàn ông trung niên chia sẻ.
Nhiều người cho rằng chùa Phúc Khánh khá thiêng và nổi tiếng nên ngay từ ngày Mùng Một Tết, nhiều xe biển ngoại tỉnh cũng đổ về đây để thắp hương cầu may. Sau những lời cầu khấn cho một năm mới làm ăn sung túc, nhiều người đến ban thờ Đức ông để rút quẻ đầu năm.
“Năm nào tôi cũng lên chùa Phúc Khánh lễ Phật cầu bình an cho cả gia đình vào đầu năm mới. Năm nay, tôi đưa cả con dâu mới đi lễ chùa để cháu quen dần sau này có đi lễ một mình con biết cách sắp đồ lễ,” bác Nguyễn Thị Liên, Giảng Võ, Hà Nội, chia sẻ.
Chùa Quán Sứ, cũng là trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hầu như lúc nào cũng nhộn nhịp đón khách. Lư hương ở sảnh trước sân chùa nghi ngút khói tạo nên một màn sương mù dày đặc làm cho chốn thiền càng thêm linh thiêng, huyền bí.
Trong chùa đông đúc người cùng những tiếng thì thầm cầu khấn. Tất cả đều rất trang nghiêm, trật tự.
Hơn 20 năm đi hái lộc xuân, chị Nguyên Lan Hương, Tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội tâm sự: "Cứ như thường lệ, vào sáng sớm Mùng Một Tết, tôi cùng người thân đi đến chùa hái lộc và nhận lời chúc đầu năm, lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn."
Chùa Hà, quận Cầu Giấy, cũng khá nhộn nhịp bởi giới trẻ Hà Thành coi đây là nơi cầu duyên rất linh nghiệm. Hàng nghìn người đã đến thắp hương rút quẻ, người già thì cầu sức khỏe, người trẻ cầu duyên, cầu tiền bạc.
Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những điểm khai xuân hút khách nhất tại Thủ đô. Hàng ngàn người dân cũng những du khách quốc tế đổ về khu Khuê Văn Các, khu Văn bia tiến sĩ để cầu tài, cầu lộc...
Nhiều ông bố bà mẹ đưa con mình đến Văn Miếu để mong muốn sau này con mình sẽ học hành tấn tới, đỗ đạt cao. Các bạn trẻ đặc biệt hào hứng với Văn Miếu bởi không gian thoáng đãng, nhiều cảnh đẹp để tạo dáng chụp ảnh và cầu cho các kỳ thi sắp tới sẽ suôn sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân ở quận Long Biên cho biết: “Năm nay con trai tôi chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học, tôi muốn đưa cháu đến đây ngày đầu năm để cầu may cho con học tập không bị gặp trắc trở.”
Đặc biệt, rất nhiều du khách nước ngoài cũng vô cùng thích thú được hòa mình vào dòng người đi lễ chùa ngày đầu năm. Mỗi khi nghe người hướng dẫn viên nói đến một đoạn phong tục truyền thống của người Việt và giới thiệu về lịch sử ngôi chùa, mọi người lại ồ lên thú vị.
Với quan niệm "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi," việc đầu tiên nhiều gia đình làm trong ngày đầu năm là đi lễ chùa và không quên mua thêm túi muối để cầu may trong năm mới. Những gói muối nhỏ nhắn xinh xắn, bắt mắt đã thu hút được nhiều du khách.
Theo quan niệm, muối là thứ mặn, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Hơn nữa mua muối đầu năm còn để cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, con cái.
Với người Việt, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để cầu may mắn, mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày vất vả trong cuộc mưu sinh.
Hòa vào dòng người tấp nập đi lễ đầu xuân, trong tiết trời lạnh, tiếng chuông chùa ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ. Nhiều người đến chùa không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn để tìm về và gìn giữ một nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của dân tộc từ bao đời./.
Minh Thúy (Vietnam+)