Người mẹ hiền của nhiều em nhỏ người Mông trên đỉnh Sảng Pả

Cô Nguyễn Thị Thanh Minh, giáo viên Trường Mầm non số 2, thị trấn Phong Hải, Bảo Thắng, Lào Cai đã không quản gian nan, vất vả, tình nguyện đón các em nhỏ người Mông về nhà nuôi, cho các em ăn học.
Người mẹ hiền của nhiều em nhỏ người Mông trên đỉnh Sảng Pả ảnh 1Cô Minh trong giờ dạy học tại trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng, Lào Cai). (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

"Người giáo viên cần trái tim của một người mẹ đủ kiên nhẫn, bao dung và chan chứa yêu thương đàn con nhỏ. Có như thế mới có thể đi trọn đời với nghiệp trồng người gian nan."

Đây là tâm sự của cô Nguyễn Thị Thanh Minh, giáo viên Trường Mầm non số 2, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng (Lào Cai), người đã không quản gian nan, vất vả, tình nguyện đón các em nhỏ người Mông về nhà nuôi, cho các em ăn học.

Năm 2016, cô giáo Minh công tác tại Phân hiệu mầm non Sảng Pả dưới.

Cô Minh chia sẻ: “Nhà của các cháu ở xa nơi đây lắm, phải trèo lên tận đỉnh Sảng Pả, đường đất ẩm ướt, trơn trượt khó đi vô cùng. Muốn lên tới nơi chỉ có thể đi bộ vào những ngày thời tiết đẹp, mất khoảng 4 giờ đồng hồ cả đi và về."

Chính vì đường xá đi lại xa xôi, vất vả như vậy nên khi ấy, chỉ có 2 cháu mầm non 5 tuổi đi học nhờ ở điểm trường Tiểu học, còn 4 cháu chưa được học mầm non.

Cuối năm 2016, khi có chủ trương đưa toàn bộ học sinh về Phân hiệu mầm non Sảng Pả dưới học tập, cô Minh phải đến tận nhà các em, thuyết phục bố mẹ các cháu đồng ý cho xuống núi đi học.

Bà Nguyễn Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Phong Hải cho biết đường lên đỉnh Sảng Pả vất vả khó đi như vậy nhưng có tháng, cô Minh đi lên đó 3-4 lần để vận động học sinh đi học.

Nhờ sự kiên trì cùng nhiệt huyết của cô Minh nên đồng bào người Mông trên đỉnh Sảng Pả rất yêu quý cô và đồng ý cho con xuống dưới học tập.

Thế nhưng, khi đã được sự đồng ý của gia đình, một khó khăn nảy sinh là không có phòng ở cho các cháu. Nghĩ đến cảnh lũ trẻ không có chỗ ở, có khả năng không thể đi học, cô Minh quyết định nói với gia đình các cháu rằng cô sẽ đón về nhà chăm sóc.

Cảm động trước sự nhiệt tình và tình yêu thương đối với các em nhỏ của cô giáo, cha mẹ các cháu đều đồng ý để con ở lại nhà cô, nhờ cô đưa đi đón về.

[Thầy cô 'dành cả thanh xuân' ươm mầm tương lai trên đảo Bạch Long Vỹ]

Chỉ cho chúng tôi xem chiếc giường sạch đẹp mà mấy cô cháu cùng nằm, cô Minh giải thích giường này phải nằm ngang vì không đủ chỗ cho cô cùng các con: Cư Thị Chứ (5 tuổi); Giàng Seo Mong (5 tuổi), Giàng Seo Vang (3 tuổi), Cư Thị Hóa (5 tuổi) và Giàng Thị Dung (5 tuổi), cho dù trong ngôi nhà mái bằng rộng rãi khang trang này còn vài chiếc giường khác.

"Các con còn nhỏ quá, tôi ngủ một mình không yên tâm. Ngủ cùng để đêm trở lạnh còn đắp chăn cho lũ trẻ. Rồi đến lúc các cháu giật mình giữa đêm, quấy khóc thì tôi dễ dỗ dành hơn,” cô giáo Minh giải thích. 

Bạn bè, người thân, đồng nghiệp đều hiểu việc nhận nuôi các cháu nhỏ là cô Minh đã can đảm chấp nhận gánh nặng trách nhiệm và sự phó thác vô cùng lớn của gia đình các cháu. Do đó, ngủ chung là cách để cô Minh có thể phát hiện những động tĩnh nhỏ nhất của các cháu trong giấc ngủ, kịp thời xử lý và nghe ngóng bệnh tình nếu các cháu chẳng may bị ốm đau.

Đồng nghiệp của cô Minh kể lại, trong đêm đầu tiên đón cháu Cư Thị Chứ khi ấy mới 2 tuổi về nhà, cháu Chứ bị viêm phổi cấp, sốt cao, rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Khoảng 2 giờ đêm, trong thời tiết mưa lạnh dầm dề, cô Minh bế cháu Chứ ra Trạm y tế Phong Hải cấp cứu mà trong lòng vẫn thấp thỏm bởi những cháu còn lại ở nhà.

Đêm hôm ấy, cô phải túc trực bên cạnh để chăm sóc Chứ. Ngày hôm sau, bố mẹ Chứ là vợ chồng anh Cư Seo Hảng từ trên Sảng Pả xuống. Anh Hảng cho biết hai vợ chồng lấy nhau nhưng chưa đăng ký kết hôn, cũng không có giấy tờ gì nên con không có bảo hiểm y tế.

Lo không có tiền chữa bệnh, anh Hảng định bế con về nhà nhưng cô Minh ngăn lại.

Những ngày sau, cô giáo Minh đưa vợ chồng anh Hảng ra huyện chụp ảnh, làm chứng minh nhân dân rồi về Ủy ban Nhân dân thị trấn Phong Hải đăng ký kết hôn. Sau đó, cháu Chứ đã có giấy khai sinh và được làm thẻ bảo hiểm y tế.

Anh Cư Seo Hảng cho biết: "Tất cả bọn trẻ ở đây khi về ở với cô giáo Minh thì mới làm giấy khai sinh và có thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh."

Lúc đầu, ai cũng nghĩ cô Minh chỉ nuôi mấy đứa nhỏ tạm thời, nhưng cho đến nay đã nhiều năm trôi qua, hết lứa này gối lứa khác, cuộc sống trong gia đình nhỏ tràn đầy tiếng cười ấy vẫn cứ êm đềm tiếp diễn.

Giờ đây, khi đã chuyển về điểm Trường Mầm non số 2 thị trấn Phong Hải, cô Minh lại đưa các cháu về điểm trường mới theo mình và hiện tại vẫn tiếp tục nuôi các cháu.

Từ năm 2016 đến nay, cô giáo Minh đã nhận nuôi nâng chăm sóc tại nhà 11 em nhỏ người Mông trên đỉnh Sảng Pả. Các cháu đều được nhận nuôi từ khi mới 2 tuổi - lúc chuẩn bị vào lớp mẫu giáo cho đến khi bước vào tiểu học bán trú thì ở hẳn lại trường.

Những nghĩa cử cao đẹp của cô Minh đã đánh thức được lòng tốt của mọi người. Lo cho cô vất vả, nhà trường kêu gọi giáo viên và các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ gạo, quần áo và một số nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ các em nhỏ có cuộc sống tốt hơn.

Ngoài ra, khi còn dạy học ở Phân hiệu Sín Thèn và Phân hiệu Sảng Pả, cô giáo Minh đã rà soát và hướng dẫn bà con trong thôn xuống xã làm thủ tục đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 30 trẻ em người Mông.

Riêng ở thôn Sín Thèn, nhờ sự tận tình giúp đỡ của cô giáo Minh, có 22 trẻ người Mông đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Cô Minh nói: “Do các thôn xa xôi, đồng bào vùng cao nhiều người không biết chữ, ngại giao tiếp nên không đi ra xã làm các loại giấy tờ. Nếu mình không giúp, không động viên họ đi làm thì người đầu tiên thiệt thòi chính là lũ trẻ, không có bảo hiểm y tế, ốm đau khám chữa sẽ rất tốn kém."

Cô Minh còn thường xuyên vận động quyên góp quần áo, giầy dép, chăn ấm mang lên núi cho học sinh nghèo. Trong cái cặp sách cũ của cô, ngoài sách vở, lúc nào cũng có cuộn chỉ, cái kim để khâu vá quần áo cho các em nhỏ. Tuy không có tiền cho bà con, nhưng đó là việc cô có thể làm để giúp người dân và lũ trẻ nhỏ nhà nghèo trên những đỉnh núi cao này.

Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Phong Hải Nguyễn Thị Hợi chia sẻ: “Làm nhiều việc tốt, sống vì người khác như vậy nhưng ít người biết cô Minh có hoàn cảnh đặc biệt éo le và cũng rất vất vả. Chồng cô Minh mất sớm do tai biến. Một mình cô Minh vừa công tác tại điểm trường vùng cao, vừa làm lụng tần tảo để nuôi hai con ăn học. Giờ các cháu đã lớn, dựng vợ gả chồng và sống ở thành phố Lào Cai, cô lại tất bật đón các cháu nhỏ về nuôi. Thế nhưng, trong gần 30 năm làm giáo viên mầm non ở thị trấn Phong Hải, cô Minh chưa bao giờ tắt ngọn lửa nhiệt huyết với nghề giáo. Tôi chưa thấy ai yêu nghề, mến trẻ, tận tụy chăm lo cho học sinh như các con của mình như vậy."

Khi được hỏi, sẽ nuôi các con đến khi nào, cô giáo Minh chỉ tủm tỉm: "Cô còn khỏe mạnh, các cháu còn cần đến vòng tay yêu thương của cô, thì ngôi nhà nhỏ luôn là tổ ấm chung của các cháu."

Với những đóng góp trong sự nghiệp giáo dục, cô giáo Minh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương là nhà giáo tiêu biểu của Lào Cai năm 2017 và nhận nhiều Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích xuất sắc trong công tác vận động học sinh đến trường, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non vùng khó khăn cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục