Người mẹ hiền thứ hai của những học sinh nghèo Gia Lai

Ngày ngày băng rừng đi "bắt" học trò, thương những em nhỏ thiếu từng miếng ăn, manh áo, nhìn những đôi mắt sáng, những nụ cười hồn nhiên, cô Hoà không biết mình đã yêu nghề tự khi nào...
Người mẹ hiền thứ hai của những học sinh nghèo Gia Lai ảnh 1Cô Hoà mang theo xà bông để tranh thủ tắm gội cho học sinh trong giờ ra chơi. (Ảnh: NVCC)

Đến với nghề sư phạm chỉ vì ngành học này được miễn học phí, tận khi tốt nghiệp ra trường, Hoà vẫn không thấy yêu nghề và thực sự chán nản khi phải dạy ở một trường vùng khó với vô vàn thiếu thốn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lê Văn Tám, xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Ngày ngày băng rừng lên lớp với đám trẻ mặt mũi lấm lem nhưng đôi mắt sáng vô cùng, ngày ngày phải trèo đèo lội suối vào tận các bản làng xa xôi để “bắt” học trò và hiểu được cuộc sống khó khăn của các em, cô Trần Thị Kim Hoà bảo chính cô cũng không biết được mình đã say mê với nghề giáo tự khi nào.

Cú “sốc” của cô giáo trẻ

Lần đầu tiên đến trường là ngày mưa ngập đường ngập lối, vượt qua bao nhiêu lớp rừng lớp núi, chiếc xe wave cà tàng bò qua đường đá rồi đường dốc gần một tiếng rưỡi vẫn chưa đến được trường vì Hoà gặp một quãng lầy ở làng Tleng, đầu xã Krong. Xe không nhích được, cô tiến không được, lùi cũng không xong. Đúng lúc đó có hai bạn nhỏ loắt choắt, đen nhẻm khoảng lớp 3 đang đi bắt cá chạy lại đẩy xe giúp. Hình ảnh đẹp đến nỗi mãi về sau Hoà cũng không quên được đôi mắt long lanh hồn nhiên ấy.

Người mẹ hiền thứ hai của những học sinh nghèo Gia Lai ảnh 2Hình ảnh đẹp đến nỗi mãi về sau Hoà cũng không quên được đôi mắt long lanh hồn nhiên ấy. (Ảnh: NVCC)

Những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, cô giáo trẻ thực sự vỡ mộng so với những gì mình tưởng tượng khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nào học sinh đồng phục áo trắng quần xanh, khuôn mặt sạch sẽ, lớp học khang trang, đầy đủ thiết bị thông minh, cô giáo áo dài thướt tha giày cao gót tung tăng sân trường.

Không có những thứ như thiên đường ở một xã vùng ba khó khăn nhất của một huyện miền núi, nơi có đến 96% học sinh là người dân tộc Ba na, cách trung tâm huyện hơn 40 km đường đất đá với nhiều điểm lẻ. Nhà nào cũng đẻ một đàn con nheo nhóc chung sống trong gian nhà sàn chật chội, đói từ cái ăn, cái mặc.

Học sinh của Hoà áo quần rách rưới, nhàu nhĩ, khuôn mặt nhem nhuốc, chân cứng hơn đá sỏi. Hoà không giao tiếp được với học sinh bằng tiếng phổ thông vì các em nói với nhau bằng tiếng địa phương. Lớp học không có điện, ngày mưa thiếu ánh sáng, ngày nắng dư mồ hôi thiếu gió.

“Lúc đó, tôi thực sự chán nản và chỉ muốn bỏ cuộc, quay về,” cô Hoà nói.

Sức mạnh của tình yêu thương

Ngày ngày, Hoà đi dép lê, mặc áo sơ mi quần tây cũ màu, trang phục không quá lệch tông với trẻ làng, để vào nhà gọi học sinh ra lớp. Các em ở trên những chòi rẫy xa xôi nên giáo viên phải băng rừng vượt suối, qua những cung đường hiểm trở để “bắt” học trò về trường học tập hoặc vận động phụ huynh chở con em ra lớp. Mùa mưa lũ, các em trốn học nhiều,  thầy cô phải vượt qua những con suối để cõng hoặc dẫn các em đi.

Có những hôm đi bộ mấy chục cây số từ làng đến khu chòi rẫy chỉ để tìm cho được một học sinh, cô nghĩ nếu bắt được sẽ phạt vì trốn học. Nhưng khi nhìn thấy học trò đang cặm cụi bắt cá kiếm miếng ăn, chân cô khựng lại, sao thương trò đến rơi nước mắt. Cô lại đi kiếm cá cùng học sinh để chờ em ra lớp. “Nhìn thấy các em từng đàn cùng nhau đi bộ về trường để học tập sinh hoạt, giáo viên chúng tôi vui sướng vô cùng,” cô Hoà xúc động nói.

Người mẹ hiền thứ hai của những học sinh nghèo Gia Lai ảnh 3Giờ học của cô Hoà và các học trò. (Ảnh: NVCC)

Thương học trò nghèo lấm lem, cô  mang theo chai dầu gội, tranh thủ giờ ra chơi đi xuống suối tắm cho cả lớp. Cô học tiếng địa phương để nghe và hiểu được ngôn ngữ của các em.

Cứ như thế trong nhiều năm, với bao buổi sáng mưa tầm tã từ nhà đến lớp ướt như chuột lột, bao mùa đông lạnh giá vào đến trường, mặt tím tái nhưng nhìn học sinh đến lớp thì mùa đông với Hoà như không còn lạnh nữa. Bao lứa học sinh của cô đọc thông viết thạo từ những buổi phải cõng em trên vai để trông em ngủ cho mẹ đi làm cũng là bấy nhiêu những yêu thương đong đầy lên theo năm tháng trong lòng Hoà mà chính cô cũng không thể biết được mình đã say mê với nghề giáo tự lúc nào.

Người mẹ hiền

Tháng 7/2014, Trường Tiểu học Lê Văn Tám chuyển mô hình trường bán trú, tạo mọi điều kiện để học sinh được ăn ở tại trường như nội trú. Phòng học được xây thêm, thư viện thân thiện ngoài trời được các thầy cô và phụ huynh kiến tạo là mái nhà sàn thân thuộc với học sinh.

Các em không phải đi lại hàng ngày nữa mà ở lại trường đến cuối tuần. Ở đó, Hoà và các đồng nghiệp trở thành những người cha, người mẹ và  các em học sinh là những đứa con thơ đúng nghĩa. Các em không chỉ học chữ học nết mà còn học ăn, học ở. Thầy cô vá may quần áo, cắt tóc gội đầu, dạy cho các em tắm giặt, đánh răng rửa mặt, gấp chăn màn quần áo. Ngày lễ tết, cô cùng đồng nghiệp thâu đêm gói bánh tặng học sinh.

Người mẹ hiền thứ hai của những học sinh nghèo Gia Lai ảnh 4Học sinh say mê đọc truyện tranh, luyện khả năng đọc trơn. (Ảnh: NVCC)

Điều đó cũng đồng nghĩa với công việc của giáo viên nhiều lên. Có hai con nhỏ và ở xa trường, ngày ngày, Hoà phải đi đi về về gần 90 cây số. Những hôm ở lại trường cùng học sinh, cô phải mang con gửi người thân do chồng hay đi công tác xa, nhưng Hoà bảo “tôi chưa bao giờ nản lòng với công việc.”

Ước mong một tương lai tươi sáng hơn cho các em, Hoà nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nhiều phương pháp giáo dục phù hợp với đặc thù học sinh của mình, những em nhỏ người dân tộc thiểu số mà việc nói tiếng Việt cũng đã là một khó khăn. Cô áp dụng nhiều phương pháp như trò chơi, tranh ảnh, vật thật trong phân môn học vần; sử dụng phiếu bài tập chia câu, đoạn theo trình độ cá nhân trong một số giờ tập đọc...

[Bí quyết “chinh phục” học sinh của cô giáo chủ nhiệm mê STEM]

Đặc biệt, biện pháp sử dụng truyện tranh nhằm thúc đẩy khả năng đọc trơn cho học sinh lớp 1 của cô đã mang lại hiệu quả giáo dục rõ rệt khi học sinh nhanh biết đọc hơn, vốn từ phong phú hơn. Phương pháp sư phạm sáng tạo này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai trao giải xuất sắc Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2020-2021.

Từ sáng kiến đưa truyện tranh vào lớp học của cô, tinh thần đọc sách đã lan toả khắp các khối lớp trong toàn trường. Đến Trường Tiểu học Lê Văn Tám hôm nay, hình ảnh học sinh chăm chú đọc sách bên các thư viện thân thiện ngoài trời đã trở nên quen thuộc.

Hạnh phúc là cống hiến...

Dành thanh xuân cho những học trò nghèo vùng khó và bản thân phải vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, nhưng Hoà bảo cô không tiếc nuối khi tuổi trẻ của mình qua đi ở nơi rừng núi sâu xa này, bởi “chỉ cần cống hiến và cố gắng hết khả năng thì dù làm việc ở nơi nào, thanh xuân của mình cũng là tươi đẹp nhất.”

Và cô cùng những đồng nghiệp tại ngôi trường Lê Văn Tám vẫn đang nỗ lực mỗi ngày để cõng con chữ lên khắp các bản làng. Nhiều người đã gắn bó với trường trên 20 năm, gửi thanh xuân ở Krong, cặm cụi ngày đêm gieo con chữ đến từng nhà rẫy xa nhất.

Người mẹ hiền thứ hai của những học sinh nghèo Gia Lai ảnh 5Hạnh phúc của cô là thấy học trò chăm chỉ đến lớp mỗi ngày. (Ảnh: NVCC)

“Sự đóng góp, dựng xây của thế hệ đi trước đã tạo nên được tinh thần hy sinh với nghề như đội ngũ giáo viên trẻ chúng tôi hôm nay. Với tôi, chỉ cần luôn tâm huyết, có niềm tin vào sự thay đổi của giáo dục thì mọi khó khăn trước mắt cũng như sau này, tôi, đồng nghiệp tôi và học trò sẽ cùng nhau vượt qua,” cô Hoà chia sẻ.

[Cô giáo 20 năm “gieo con chữ” trên cao nguyên đá Đồng Văn]

“Chỉ cần các em chịu đi học, được nhìn các em vui chơi, mong các em được học tập với những điều kiện tốt nhất có thể, được ăn no, mặc ấm... chúng tôi thực sự thấy cuộc đời thật đáng để mình cống hiến,” cô Hoà xúc động nói.

Điều Hoà mong mỏi nhất là có nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời về vật chất cũng như tinh thần cho các trường ở vùng khó để chất lượng có thể theo kịp vùng thuận lợi.

Nhà ở xa trường, ngày Nhà giáo Việt Nam, bạn bè mở cổng đón học sinh còn Hoà đóng cửa để không ai thấy mình, hàng xóm sẽ không hỏi: “Cô Hoà năm nay có học sinh đến nhà thăm không?”. Hoà không chạnh lòng mà chỉ thấy yêu thương, thấy trân quý hơn những đoá hoa rừng, những bài hát mà học trò tặng cô bằng cả tấm lòng.

Cô không mong các em tìm đến nhà thăm, chỉ mong các em ngày ngày lên lớp đầy đủ với cô là hạnh phúc. “Chỉ thế thôi mà suốt 9 năm nay, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam là tôi lại yêu nghề lắm lắm!" cô Hoà cười tười nói.

Và ngày 20/11 năm nay, Hoà có thêm một niềm vui, khi cô được vinh danh là một trong 50 nhà giáo tiêu biểu trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô do Trung hương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Đây là món quà tinh thần rất ý nghĩa để những giáo viên vùng khó tiếp tục hăng hay, cống hiến với nghề./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục