Người nhập cư đụng độ cảnh sát ở đảo Lampedusa

Cuộc đụng độ nổ ra chỉ một ngày sau khi người nhập cư châm lửa đốt phá trại để phản đối chính sách hồi hương của Chính phủ Italy.
Ngày 21/9, những người nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi đang bị tạm giữ trên đảo Lampedusa, miền Nam Italy đã xung đột với cảnh sát sau khi hàng chục người nhập cư tìm cách trốn khỏi trại giam giữ họ trên hòn đảo này.

Cuộc đụng độ nổ ra chỉ một ngày sau khi người nhập cư châm lửa đốt phá trại để phản đối chính sách hồi hương bắt buộc của Chính phủ Italy.

Hình ảnh trên kênh truyền hình SKY TG 24 cho thấy, cảnh sát đã sử dụng dùi cui để trấn áp, ngăn không cho người nhập cư trèo tường trốn khỏi trại. Các nguồn tin báo chí cho biết một số người đã bị thương.

Thị trưởng Lampedusa, ông Bernardino De Rubeis đã lên tiếng chỉ trích việc chính phủ bỏ rơi Lampedusa, để hòn đảo này phải tự đối phó với tình trạng rối ren, hỗn loạn do người nhập cư gây ra. Thậm chí ông còn gọi người nhập cư bất hợp pháp là “những kẻ tội phạm,” đồng thời khẳng định hòn đảo này sẽ không tiếp nhận thêm một người nhập cư nào nữa.

Ông cũng đề nghị Tổng thống Italy Giorgio Napolitano đến Lampedusa “để thể hiện tinh thần đoàn kết với người dân ở hòn đảo này, vốn đang bị phá rối thường xuyên” do sự xuất hiện của nhiều người nhập cư đang trong tình cảnh tuyệt vọng.

Căng thẳng đã dâng cao trên đảo Lampedusa trong vài ngày qua do hơn 1.000 người nhập cư quốc tịch Tunisia đang có nguy cơ phải hồi hương theo một hiệp định giữa Tunisia và Italy.

Là hòn đảo nằm gần châu Phi hơn khu vực đất liền của Italy, Lampedusa đã bị ngập chìm trong làn sóng người nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi, chủ yếu là từ Tunisia, kể từ mùa Xuân năm nay.

Tình trạng căng thẳng thỉnh thoảng lại bùng lên, nhất là khi trung tâm tạm giữ người nhập cư trên đảo bị quá tải. Trung tâm ở Lampedusa được thiết kế để chứa tối đa là 850 người, nhưng thực tế khoảng 1.200-1300 đang bị tạm giữ tại đây.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) hồi tuần trước cảnh báo rằng, tình hình trên đảo Lampedusa đang trở nên căng thẳng do việc giam giữ kéo dài người nhập cư từ Tunisia và Libya mà không hề có động thái nào nhằm xác định họ có đáp ứng các tiêu chí để được tỵ nạn hay không.

UNHCR thúc giục Chính phủ Italy xúc tiến các biện pháp nhằm chuyển người nhập cư từ Lampedusa đến những trung tâm khác có điều kiện sống ổn định hơn vì theo họ, trung tâm ở Lampedusa chỉ là tạm thời và là nơi dừng chân đầu tiên.

Khoảng 26.000 người Tunisia và 28.000 người thuộc các quốc tịch khác nhau từ Libya đã đến Lampedusa kể từ khi nổ ra những bất ổn ở khu vực Bắc Phi. Italy lâu nay đã cho hồi hương một số lượng lớn người Tunisia do những người này không đáp ứng các tiêu chí để được tỵ nạn chính trị./.

Ngự Bình/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục