Ông Nguyễn Linh, ở thị trấn Chư Ty (huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã cho ra đời thành công máy gọt vỏ củ sắn (mì) tự động với nhiều công năng hữu dụng, tiện ích cho nông dân ở những vùng đồng bằng cũng như miền núi.
Máy gọt vỏ củ sắn do ông Linh sáng chế nhỏ gọn và cân nặng khoảng 60kg, đây là một tiện ích cơ bản cho nông dân bởi có thể di chuyển máy đến mọi nơi, mọi địa hình trên các cánh đồng trồng sắn mỗi khi đến mùa thu hoạch và chế biến.
Các bộ phận cấu tạo của máy khá đơn giản, có khoảng 30 chi tiết thì trong đó có hơn 90% chi tiết do ông nghiên cứu và tự làm, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình hoạt động của máy.
Các chi tiết trong máy có thể thay đổi theo yêu cầu của người sử dụng đảm bảo độ chính xác tuyệt đối.
Đối với sắn trồng 2 năm củ to thì lắp đặt nòng đẩy lớn hơn và ngược lại; còn đối với củ đã gọt sạch vỏ 100% (dành cho các doanh nghiệp chế biến sắn để xuất khẩu) thì chỉ cần lắp đặt thêm 1 lưỡi dao nữa là cho ra sản phẩm sạch.
Chiếc máy này có công suất gọt vỏ củ sắn khoảng từ 10-12 tấn củ/ngày và chỉ cần 1-2 công lao động đứng máy để gọt vỏ.
Để làm được với sản lượng lớn này thì trước đây phải cần đến hơn 30 công lao động và giá thành đội lên khá cao, nguồn thu của người trồng sắn thấp, hơn nữa thời gian gọt vỏ lại kéo dài bởi khó thuê được nhân công khi bước vào vụ thu hoạch chính.
Theo ông Linh, để sản xuất hoàn thiện máy gọt vỏ củ sắn bán ra trên thị trường phải mất thời gian khoảng 1 tuần đến 10 ngày với 3-4 lao động (thợ), có giá thành từ 70-75 triệu đồng phù hợp với "túi tiền" của nhà nông, nhất là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mỗi buôn làng chỉ cần mua sắm từ 2-3 máy là đủ sử dụng trong cộng đồng cho cả mùa. Trước mắt, đã có một số doanh nghiệp chế biến hàng nông sản trong và ngoài tỉnh đến tham quan và bàn bạc những vấn đề cần thiết để tiến tới ký hợp đồng mua máy.
Sau thành công đó, ông Linh lặn lội đến các bộ ngành chức năng để giới thiệu về chiếc máy gọt vỏ sắn và tham gia cuộc thi “Nhà sáng chế Việt năm 2014” do kênh VTV2 Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.
Chiếc máy gọt vỏ sắn tự động của ông Nguyễn Linh đã được hội đồng giám khảo và các nhà chuyên môn đánh giá cao và vinh dự nhận được giải nhất của tháng, được Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ tặng bằng khen do có công sáng chế và có bước đột phá trong sản xuất công nghệ mới. Ông cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận danh hiệu Cúp vàng năm 2015.
Việc chế tạo thành công máy gọt vỏ củ sắn của ông Nguyễn Linh đã phải đổi bằng mồ hôi công sức trong thời gian dài có đến cả chục năm trời.
Từ năm 2005, ông bắt đầu hình thành "giấc mơ" sáng chế ra một cái máy gọt vỏ củ sắn tự động nhằm giúp cho nông dân trong vùng đỡ bớt phần khó khăn vất vả, trong đó có gia đình ông.
Chiếc máy đầu tiên ra đời vào năm 2007 có đến 1.200 chi tiết và có nặng hơn 1 tấn, khi đưa vào vận hành thử thì có nhiều sự cố xảy ra không đạt hiệu quả như mong muốn.
Thế nhưng ông không chịu "đầu hàng" mà quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ của mình. Rồi chiếc máy thứ 2, thứ 3 ra đời trong những năm sau đó cũng vậy, và đến chiếc máy thứ 5 mới thành công như ý.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, ông Linh phải bán hết tài sản như đất đai, vườn cây... tính giá trị đến cả tỷ đồng để mua các loại phụ tùng liên quan đến máy, có những chi tiết ông tự nghiên cứu và sáng chế ra để giảm bớt chi phí.
Vợ ông sau nhiều lần can ngăn ông dừng lại để bảo toàn tài sản và chăm lo đến cuộc sống gia đình cuối cùng đã bỏ đi.
Người dân ở địa phương ban đầu gọi ông là "Linh tiêu" bởi ông là một trong những người trồng tiêu nhiều nhất vùng, sau đó gọi là "Linh điên" bởi ông đã bán hết tài sản lao vào việc chế tạo máy và bây giờ gọi là "Linh sáng chế" bởi ông đã thành công trong việc chế tạo máy gọt vỏ củ sắn hiện nay.
Ông Nguyễn Linh quê ở tỉnh Thừa Thiên-Huế lên lập nghiệp tại mảnh đất biên giới Chư Ty từ năm 1996 và mưu sinh bằng việc khai hoang vỡ hoá để có quỹ đất phát triển trồng trọt và chăn nuôi.
Ở vùng này, trước đây không có phong trào trồng các loại cây kinh tế như cao su, càphê, hồ tiêu... mà chỉ có cây trồng chính ngắn ngày là cây sắn và diện tích loại cây trồng này đang ngày càng phát triển mạnh.
Từ đó, ông mới dần nhận ra một điều, vùng trồng sắn xa khu dân cư và đến khi thu hoạch tốn kém công sức, từ khâu đào củ đến khâu vận chuyển sản phẩm về buôn làng, rồi gọt vỏ, thái lát phơi khô bán cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở các địa phương trong tỉnh. Và "giấc mơ" của ông đã trở thành hiện thực, hơn ai hết người dân trong vùng đã phấn khởi đón nhận từ thành quả này của ông.
Ông Trịnh Văn Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Cơ, cho biết huyện và các đơn vị chức năng trên địa bàn tạo mọi thuận lợi để ông Linh phát triển nghề chế tạo máy này, trên cơ sở đảm bảo các điều kiện về mặt pháp lý, góp phần giải phóng sức lao động ở địa phương, nhất là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số bởi diện tích trồng mì ở Đức Cơ đã lên tới có hàng ngàn ha./.