Người sáng lập WikiLeaks muốn giúp Đức điều tra tình báo Mỹ

Người sáng lập trang WikiLeaks Julian Assange đã đề nghị giúp đỡ ​Ủy ban Quốc hội Đức phụ trách điều tra các hoạt động do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) ở nước này.
Người sáng lập WikiLeaks muốn giúp Đức điều tra tình báo Mỹ ảnh 1Người sáng lập trang WikiLeaks Julian Assange. (Nguồn: AFP)

Người sáng lập trang WikiLeaks Julian Assange đã đề nghị giúp đỡ ​Ủy ban Quốc hội Đức phụ trách điều tra các hoạt động do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) ở nước này.

Đảng Xanh và đảng Cánh tả ở Đức ngày 18/7 đã hoan nghênh đề xuất của ông Assange, song để các nghị sỹ Đức có thể gặp mặt và lấy thông tin từ chủ nhân trang WikiLeaks này lại không hề đơn giản.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo Đức, Tấm gương, ông Assange đã đề nghị được làm nhân chứng cho các nghị sỹ của Ủy ban Quốc hội điều tra các hoạt động do thám của NSA ở Đức.

Ông nói: "Nếu các vị cần một người làm chứng, tôi sẽ rất vui nếu các vị đến và đặt các câu hỏi với tôi." Assange cũng cho biết sẽ trao cho các nghị sỹ Đức những tài liệu không bị bôi đen như đã công bố trên trang WikiLeaks về việc do thám của Mỹ ở Đức.

Theo bà Martina Renner, đại diện của đảng Cánh tả trong Ủy ban điều tra NSA, mọi tài liệu đều rất có giá trị nhằm làm sáng tỏ hoạt động theo dõi quy mô lớn cũng như các hoạt động do thám bất hợp pháp của NSA ở Đức, đặc biệt trong bối cảnh Phủ Thủ tướng Đức vẫn từ chối trao cho Ủy ban điều tra các danh mục theo dõi của NSA.

Các danh mục theo dõi này được xem là quan trọng với các nhà điều tra, trong đó có cả số điện thoại của các chính trị gia hàng đầu của Đức. Mặc dù ông Assange không thể công khai nguồn cung cấp tin, song ông cho biết sẽ "lý giải để thấy các tài liệu được công bố là có thật."

Từ hơn 3 năm qua, ông Assange vẫn phải trú ẩn trong Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) để tránh các nhà điều tra Thuỵ Điển, Anh và Mỹ. Do ông không thể rời khỏi Đại sứ quán Ecuador, nên các nghị sỹ Đức có thể phải tới London để tiến hành lấy thông tin phục vụ điều tra.

Trong trường hợp Ủy ban điều tra NSA thuộc Quốc hội Đức quyết định cử nhóm chuyên gia tới London, họ phải nhận được sự đồng ý của Chính phủ Anh về việc hỏi cung Assange ở Đại sứ quán Ecuador, và khả năng này sẽ khó xảy ra do tình báo Anh và Mỹ có sự liên kết và hợp tác rất chặt chẽ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục