Người Singapore chọn chi tiêu cho sức khỏe thay vì mua hàng xa xỉ

Theo một cuộc khảo sát gần đây của AIA Singapore, khoảng 30% số người được hỏi cho biết không có gì quan trọng hơn việc giữ gìn sức khỏe và tham gia các hoạt động mình yêu thích.
Người Singapore chọn chi tiêu cho sức khỏe thay vì mua hàng xa xỉ ảnh 1Người Singapore đang quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một bài viết mới đây trên tờ Straits Times, biên tập viên mảng đầu tư Tan Ooi Boon chỉ ra rằng trải qua đại dịch, nhiều người Singapore nhận ra rằng sức khỏe quý hơn là của cải và điều này chứng tỏ “nghịch cảnh vẫn là người thầy tốt nhất của cuộc sống.”

Tác giả dẫn kết quả một cuộc khảo sát gần đây của Công ty Bảo hiểm AIA Singapore cho thấy khoảng 30% số người được hỏi cho biết không có gì quan trọng hơn việc giữ gìn sức khỏe và có thể tham gia các hoạt động mình yêu thích.

Một số còn cho rằng thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng tài sản, họ muốn tăng cường hệ thống miễn dịch - một dấu hiệu cho thấy tác động “không thể xóa nhòa” của đại dịch COVID-19.

Gần như cùng số người được hỏi cho rằng những món đồ xa xỉ và việc tận hưởng cuộc sống thượng lưu không còn quan trọng nữa.

Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục đẩy chi phí nhu yếu phẩm hằng ngày tăng cao, họ có thể sẽ lập tức từ bỏ việc vung tiền vào những mặt hàng không thiết yếu nếu cảm thấy cần phải “thắt lưng buộc bụng.”

“Suy cho cùng, khi triển vọng không chắc chắn, thà có một tài khoản ngân hàng ‘khỏe mạnh’ còn hơn là một cái tủ đầy những món đồ hàng hiệu” - tác giả Tan Ooi Boon viết.

“Không có gì ngạc nhiên khi nghiên cứu Live Better của AIA Singapore tiết lộ rằng những bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều người. Khi nói đến khả năng đạt được một lối sống mong muốn, cứ hai người được hỏi thì một người cho biết ‘còn lâu’ mới đạt được mục tiêu của mình.”

Theo tác giả, cuộc khảo sát của AIA Singapore chỉ ra 5 “nỗi đau tiền bạc” hàng đầu, từ đó giúp mỗi người quản lý chi phí của mình tốt hơn. Những “nỗi đau” nổi bật là:

Chi phí tăng cao

Khảo sát của AIA cho thấy việc phải chi thêm tiền mỗi tháng là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các gia đình. Nếu bạn cảm thấy túi tiền của mình đang bị ảnh hưởng, đã đến lúc bạn nên bắt đầu xem xét kỹ các khoản chi tiêu của mình.

[Tranh cãi dữ dội về việc cân bằng công việc và cuộc sống ở Singapore]

Bội chi là nguyên nhân khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần. Nếu gia đình bạn thường xuyên đi ăn tiệm, việc tự nấu ăn nhiều hơn sẽ lập tức giúp bạn cắt giảm chi phí thực phẩm và đi lại.

Tiết kiệm không đủ

Đương nhiên nếu bạn chi tiêu nhiều hơn, bạn sẽ khó “để dành” hơn. Cách để đảo ngược xu hướng này là theo dõi cách chi tiêu của mọi người trong gia đình và tìm ra những khoản chi có thể cắt giảm.

Thẻ tín dụng cần được sử dụng ở mức độ hợp lý nếu bạn không muốn có “nhiều đau khổ hơn” sau này. Không phung phí khi đi du lịch nước ngoài cũng có thể giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền hơn cho “những ngày mưa gió.”

Người Singapore chọn chi tiêu cho sức khỏe thay vì mua hàng xa xỉ ảnh 2Nhiều người Singapore cho biết không có gì quan trọng hơn việc giữ gìn sức khỏe và có thể tham gia các hoạt động mình yêu thích. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao

Bạn có thể giảm thiểu rủi ro tài chính này nếu bạn có bảo hiểm y tế đầy đủ.

Ít nhất, hãy lập kế hoạch tiết kiệm lành mạnh trong MediSave của bạn, khoản này chi trả cho chương trình bảo hiểm y tế quốc gia giúp thanh toán hóa đơn bệnh viện và các phương pháp điều trị ngoại trú tốn kém được lựa chọn, chẳng hạn như lọc máu và hóa trị. (MediSave là chương trình tiết kiệm y tế quốc gia của Singapore nhằm giúp các cá nhân dành một phần thu nhập của mình để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe.)

Nghỉ hưu

Nếu bạn gặp vấn đề về tiền bạc khi vẫn còn đang đi làm, hãy tưởng tượng cuộc sống sẽ khó khăn như thế nào khi bạn nghỉ hưu và không có thu nhập hằng tháng. Đây là lý do tại sao việc bắt đầu lập kế hoạch để có thu nhập hằng tháng liên tục khi về già là điều quan trọng.

Bảo hiểm không đầy đủ

Nhiều người, đặc biệt là những người ở độ tuổi 30, quá tập trung vào việc đầu tư mà quên mất rằng họ không phải là bất khả chiến bại và có thể bị bệnh nặng hoặc gặp những tai họa khác. Bạn nên lên kế hoạch cho những rủi ro như vậy để có đủ tiền vượt qua những “cơn bão” tồi tệ nhất trong cuộc sống.

Nhiều người xem các chính sách trọn đời như “những người anh em họ kém cỏi” so với cổ phiếu và quỹ đầu tư - những thứ mang lại lợi nhuận tốt hơn. Nhưng họ quên rằng các chính sách đời sống cũng mang lại khả năng bảo vệ, cũng như cho phép họ tiết kiệm thêm một chút cho tuổi già.

Người có thu nhập cao cũng “gặp vấn đề”

Cuộc khảo sát của AIA cho thấy một vấn đề chung mà những người có thu nhập hằng tháng cao phải đối mặt, đó là họ càng kiếm được nhiều tiền thì họ càng chi tiêu nhiều hơn.

Có vẻ khó tin, nhưng nhiều người có thu nhập cao lại mắc nợ cao vì họ chi tiêu quá mức cho những khoản lớn như bất động sản, xe hơi và lối sống xa hoa.

Gần 40% những người kiếm được 40.000 USD trở lên mỗi tháng nói rằng họ không chuẩn bị cho những chi phí bất ngờ - vốn là trở ngại chính khiến kế hoạch của họ bị chệch hướng.

Người Singapore chọn chi tiêu cho sức khỏe thay vì mua hàng xa xỉ ảnh 3Người dân trên đường phố Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Họ thừa nhận không còn nhiều tiền mỗi tháng sau khi thanh toán hết các hóa đơn vì họ có quá nhiều các khoản vay và những khoản này bắt đầu “ăn” vào tiền tiết kiệm của họ. Không có gì ngạc nhiên khi nỗi sợ lớn nhất của họ là mất việc làm hay bị cắt lương vì điều này có thể khiến họ đứng trước nguy cơ phá sản.

Khủng hoảng tiền bạc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe

Theo tác giả Tan Ooi Boon , mặc dù chỉ có tiền có thể không giải quyết được mọi vấn đề trong cuộc sống nhưng không có đủ tiền có thể dẫn đến “mất ngủ nhiều đêm.”

Thói quen tài chính không tốt dẫn đến bội chi và mắc nợ cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần đối với những người từ 25-44 tuổi.

Việc trang trải chi phí chăm sóc sức khỏe và nằm viện cũng là một trong những khó khăn hàng đầu mà hầu hết các nhóm tuổi phải đối mặt khi giải quyết các vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Một số vấn đề này có thể tránh được nếu mỗi người quan tâm đến chế độ ăn uống và tập thể dục nhiều hơn. Cuộc khảo sát cho thấy những người từ 35-54 tuổi ít “cam kết” với việc chăm sóc sức khỏe thể chất nhất do không tập thể dục, ngủ không đủ giấc cũng như không theo dõi chế độ ăn uống của mình.

“Nếu có một bài học rút ra từ cuộc khảo sát thì đó là mọi người nên trau dồi kỷ luật quản lý tốt cả sức khỏe và tài sản. Bạn không thể bỏ qua một trong hai thứ, vì chúng bổ trợ cho nhau” - tác giả viết.

Nếu bạn quản lý tài chính tốt và không chi tiêu quá mức, bạn có thể sẽ “ngủ ngon hơn.”

Tương tự, nếu bạn dành thời gian và công sức chăm sóc bản thân tốt hơn, bạn có thể tránh được nhiều căn bệnh nghiêm trọng do những thói quen liên quan đến lối sống gây ra.

Nếu không, bạn có thể phải chi nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khỏe, dẫn đến một vòng luẩn quẩn làm giảm số tiền tiết kiệm và ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn khi về già./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục