Người tị nạn tới Australia bị “cưỡng hiếp và tra tấn”

Đã xuất hiện cáo buộc về nạn cưỡng bức và tra tấn tại những trại tị nạn của Australia ở Papua New Guinea dành cho các thuyền nhân.
Bộ trưởng nhập cư Australia Tony Burke ngày 24/7 đã mô tả lại những cáo buộc “kinh hoàng” về việc những người xin tị nạn trong một trại chuyển tiếp ở Papua New Guinea bị cưỡng hiếp và tra tấn. Một cựu quan chức cấp cao tại trại chuyển tiếp trên đảo Manus này cũng kể lại chi tiết về những vụ tự sát và tự làm tổn thương bản thân “gần như mỗi ngày,” đồng thời cảnh báo những nạn dân đang tập hợp vũ khí để sẵn sàng cho một cuộc đào thoát. “Tôi chưa bao giờ chứng kiến con người ở trong tình trạng tuyệt vọng, không được giúp đỡ và sống trong hoàn cảnh tồi tệ như thế,” Rod St George, từng là người đứng đầu bộ phận an ninh và y tế tại trại tị nạn, nói với đài truyền hình SBS. “Tôi đã nỗ lực hết sức để khiến nơi đó an toàn hơn, nhưng mọi nỗ lực đều nhanh chóng trở nên vô ích.” Quá thất vọng vì những gì ông phải chứng kiến, St George đã xin từ nhiệm. Những cáo buộc của ông được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Australia Kevin Rudd tuyên bố cơ sở tị nạn này đã được mở rộng với quy mô lớn trong một kế hoạch cứng rắn đưa tất cả những người xin tị nạn tới Papua New Guinea. Theo chính sách mới, các thuyền nhân vào vùng biển Australia trái phép sẽ bị đưa sang đảo Manus và những quốc gia khác ở Thái Bình Dương và ngay cả khi được coi là “những người tị nạn thực sự,” họ vẫn không có cơ hội được nhập cảnh Australia. Thay vào đó, họ sẽ phải ở lại Papua New Guinea, một trong những nước nghèo nhất thế giới, bị trục xuất về quê nhà, hay sang một nước thứ ba.
[Mọi thuyền nhân đến Australia sẽ không được nhập cư]
St George, vốn là một giám thị trại giam, nói hàng chục thiếu niên đã bị những người ở cùng tấn công và hãm hiếp, trong khi những người khác bị đánh đập và bị ép buộc phải im lặng, không được phản đối tình trạng tồi tệ mà họ đang sống. Những người bị hãm hiếp sau đó sẽ được đưa lại về sống chung với những người đã hãm hiếp họ. “Không thể làm gì cho những thiếu niên dễ tổn thương đó, mà trong nhiều trường hợp, “dễ tổn thương” chỉ là cách nói dễ nghe với những người bị cưỡng hiếp,” St George nói. “Họ bắt buộc phải ở lại đó.” Ông kể lại một người đã bị đục lỗ trong màng nhĩ sau khi bị đổ nước vào tai, và chỉ trích các quan chức Bộ nhập cư ở khu trại này trong việc xử lý các vụ việc. Burke nói ông sẽ bay sang đảo Manus để điều tra. “Tôi sẽ ở Manus trong vài ngày tới và tự mình đi xem xét tình hình,” ông nói với đài phát thanh ABC. Ông thừa nhận mình biết về các cáo buộc một tuần rưỡi trước, nhưng nói chỉ trao đổi trực tiếp với St George từ tối thứ Ba.
Người tị nạn tới Australia bị “cưỡng hiếp và tra tấn” ảnh 1
Một chiếc xe bị đốt cháy trong vụ bạo động ở trại tị nạn tại đảo Nauru hôm 20/7 (Nguồn: AFP)
“Những cáo buộc này thật kinh hoàng. Tôi ước gì tôi có cơ hội hiểu biết vụ việc sớm hơn tối qua, vì tôi sẽ có thể hành động sớm hơn,” Burke nói. “Không thể nghi ngờ về những chi tiết đã được miêu tả và những tội ác lẽ ra phải bị ngăn chặn”. Australia gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với làn sóng tị nạn và nhập cư bất hợp pháp bằng đường biển, lên đến con số kỷ lục vào năm 2012 và đã vượt số 15.600 người tính tới thời điểm này của năm 2013. Hàng trăm người đã chết đuối trên hành trình, với vụ gần nhất là khi một chiếc tàu chở đầy dân tị nạn chìm ngoài khơi Indonesia vào cuối ngày 23/7./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục