Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan thứ 2 khu vực châu Á-TBD

Theo khảo sát Niềm tin Người tiêu dùng của Mastercard vừa được công bố, người tiêu dùng Việt Nam cực kỳ lạc quan với 90,8 điểm, đứng thứ hai khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan thứ 2 khu vực châu Á-TBD ảnh 1Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Todayonline)

Theo khảo sát Niềm tin Người tiêu dùng của Mastercard vừa được công bố, người tiêu dùng Việt Nam cực kỳ lạc quan với 90,8 điểm, đứng thứ hai khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau Campuchia với 93,1 điểm.

[Các thành viên APEC nên chú trọng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ]

Theo khảo sát này, Hàn Quốc được ghi nhận sự cải thiện lớn nhất về niềm tin người tiêu dùng trong khu vực nhờ vào triển vọng kinh tế tăng cao. Sự lạc quan của Hàn Quốc đạt mức cao nhất kể từ năm 1995, giúp đưa Hàn Quốc từ nhóm bi quan qua nhóm rất lạc quan trong 6 tháng qua. Tương tự, Singapore và Malaysia cũng đạt được sự cải thiện lớn về niềm tin người tiêu dùng.

Nhìn chung, trong toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, niềm tin người tiêu dùng nằm ở mức lạc quan với 66,9 điểm, tăng nhẹ từ mức 62,7 điểm cách đây 6 tháng, chủ yếu nhờ vào triển vọng tốt từ thị trường chứng khoán (+7,3 điểm) và việc làm (+5,1 điểm). Niềm tin người tiêu dùng tại 12 trong số 18 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương vẫn duy trì ổn định (với biên độ +/- 5 điểm so với khảo sát trước).

Trong khi đó, Ấn Độ lại chứng kiến mức giảm sút lớn nhất là (- 9,3) điểm mặc dù quốc gia này vẫn nằm trong nhóm lạc quan với 86 điểm. Tương tự, niềm tin người tiêu dùng tại Myanmar cũng giảm 6 điểm. Theo khảo sát, sự bi quan về chất lượng sống và triển vọng thị trường chứng khoán lần lượt là những nguyên nhân chính cho sự suy giảm này tại Ấn Độ và Myanmar.

Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2017, tổng cộng 9.153 người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18 – 64 tại 18 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đã được mời trả lời những câu hỏi liên quan đến năm hạng mục kinh tế chính, bao gồm nền kinh tế, triển vọng việc làm, triển vọng thu nhập thường xuyên, thị trường chứng khoán và chất lượng sống. Chỉ số được tính toán theo thang điểm từ 0 đến 100, với 0 là bi quan nhất, 100 là lạc quan nhất và từ 40-60 là trung lập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục