Người tinh khôn Homo sapiens, tức người hiện đại ngày nay, từng xuất hiện tại vùng đất của người cổ đại Neanderthal ở châu Âu sớm hơn dự đoán trước đây. Đây là kết luận của nghiên cứu khảo cổ được công bố trên tạp chí Science ngày 9/2.
Cho đến nay, các phát hiện khảo cổ mới chỉ cho thấy người Neanderthals biến mất khỏi lục địa châu Âu khoảng 40.000 năm trước đây, ngay sau sự xuất hiện của “người anh em họ” Homo sapiens, khoảng 5.000 năm trước đó và không có bằng chứng về sự giao thoa giữa 2 nhóm người.
Tuy nhiên, phát hiện mới của một nhóm các nhà khảo cổ và cổ sinh vật học do nhà nghiên cứu Ludovic Slimak thuộc Đại học Toulouse dẫn đầu, đã đẩy lùi mốc xuất hiện của người Homo sapiens ở Tây Âu xuống khoảng 54.000 năm trước đây.
Một phát hiện đáng kể khác trong nghiên cứu này là có hai chủng người từng luân phiên sinh sống trong hang Mandrin nay thuộc về vùng Rhone ở miền Nam nước Pháp.
Di chỉ Mandrin được khai quật lần đầu tiên vào năm 1990, gồm nhiều tầng lớp di chỉ khảo cổ có niên đại cách đây tới hơn 80.000 năm.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện một tầng di chỉ khảo cổ, được gọi là “tầng E,” gồm ít nhất 1.500 đầu mũi nhọn bằng đá lửa được chế tác tinh tế hơn, nhiều mũi nhọn và dao khác được ghi nhận ở các tầng lớp di chỉ trên và dưới.
[Phát hiện dấu vết của một loài người tiền sử mới tại Israel]
Nhà nghiên cứu Slimak cho biết nhiều mũi nhọn này có kích thước rất nhỏ, một số dài chưa đến 1cm, được tiêu chuẩn hóa với độ chính xác đến từng mm, điều chưa xuất hiện với người Neanderthals.
Theo ông, kỹ thuật chế tác này chưa từng được biết đến ở châu Âu thời điểm đó và có thể là sản phẩm của nền văn hóa có tên gọi Neronian, có liên quan đến một vài địa điểm ở vùng Rhone.
Năm 2016, Slimak và nhóm nghiên cứu đã tới Bảo tàng Peabody ở Harvard để so sánh các phát hiện của họ với bộ sưu tập những hóa thạch được chạm khắc ở di chỉ Ksar Akil ở chân núi Liban, một trong những địa điểm chủ yếu trong tiến trình mở rộng của người Homo sapiens ra phía Đông Địa Trung Hải.
Sự tương đồng trong những kỹ thuật được sử dụng đã khiến Slimak tin tưởng phát hiện ở di chỉ Mandrin là những dấu vết đầu tiên của người Homo sapiens được ghi nhận ở châu Âu.
Một răng sữa thuộc về chủng người hiện đại được phát hiện ở “tầng E” cũng đã củng cố nghi vấn của ông.
Thông qua nhiều kỹ thuật phân tích hiện đại, nhóm nghiên cứu kết luận hai chủng người đã từng cùng sinh sống ở di chỉ Mandrin hoặc trong cùng khu vực.
Sự giao thoa ở đây khiến vùng Rhone có thể là hành lang di cư lớn của người Homo sapiens giúp họ tiến ra Địa Trung Hải và các khu vực châu Âu lục địa.
Giáo sư Chris Stringer, đồng tác giả nghiên cứu, khẳng định việc có thêm kiến thức về sự giao thoa giữa người hiện đại và các chủng người khác ở Eurasia có ý nghĩa quan trọng để các nhà khoa học hiểu thêm về sự tương tác giữa các chủng người và cách thức chúng ta trở thành chủng người duy nhất còn tồn tại đến ngày nay./.