Người trẻ và trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số trường hợp đột quỵ

Thông thường đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên, tuy nhiên, độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa; cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số trường hợp đột quỵ.
Người trẻ và trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số trường hợp đột quỵ ảnh 1Cơ sở vật chất và máy móc tại Trung tâm Đột quỵ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 15/12, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác về nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống đột quỵ tại Việt Nam, giai đoạn 2021-2023.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cho biết thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống bệnh không lây nhiễm của Việt Nam giai đoạn 2013-2020 và xây dựng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo là một trong những trọng tâm của ngành Y tế.

Chương trình Nâng cao ý thức của cộng đồng về phòng, chống đột quỵ tại Việt Nam giai đoạn 2021-2023 sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về đột quỵ.

Hiện nay, với sự phát triển của Internet, con người dễ dàng tiếp cận các thông tin về chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, sự chính xác, đúng đắn của thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa bệnh tật. Thực tế hiện nay thông tin xuất hiện dày đặc và tràn lan trên mạng, nên rất khó để phân biệt đâu là thông tin chính xác, đáng tin cậy.

[Nhiều người trẻ tuổi tử vong do chủ quan khi bị đột quỵ não]

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc chủ động phòng ngừa bệnh đột quỵ, cũng như vai trò của thông tin số trong việc tăng cường khả năng tiếp cận nguồn thông tin tin cậy cho người bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thiết lập một kênh thông tin điện tử chuyên cung cấp thông tin về bệnh lý đột quỵ cho cộng đồng. Theo đó, người dân có được những thông tin dễ hiểu, gần gũi về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị cũng như những khuyến nghị nhằm phòng ngừa đột quỵ thông qua việc thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị.

Việc xây dựng kênh thông tin điện tử gắn kết vào trang thông tin điện tử hiện hành của Cục sẽ cung cấp cho người dân những kiến thức y khoa chính xác, khách quan, hữu ích về phòng ngừa, điều trị bệnh đột quỵ. Người dân thường xuyên cập nhật các thông tin về xây dựng lối sống lành mạnh, giúp phòng ngừa bệnh đột quỵ và cải thiện sức khỏe của bản thân, cũng như việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh đột quỵ.

Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm, khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên, tuy nhiên độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ.

Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Vì vậy, việc tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin về phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ trở nên rất cần thiết và quan trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục