Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người trồng rau xanh, hoa tươi của Hà Nội kém vui bởi, nhiều vùng trồng rau phải nhổ bỏ, hoa để héo tại ruộng như xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), xã Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm)...
Những ngày sau Tết Nguyên đán, hầu hết các cửa hàng, quán xá đóng cửa thực hiện yêu cầu cách ly phòng chống COVID-19 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Những cửa hàng mở cửa bán hàng cũng phải đảm bảo yêu cầu giãn cách cũng như có tấm chắn ngăn cách nhưng lượng khách đến quán cũng èo uột.
Bên cạnh đó, do học sinh nghỉ học ở nhà học online nên các bếp ăn tập thể cũng tạm thời dừng không hoạt động. Trong khi đó, thời tiết thuận lợi cho rau củ phát triển, nên bà con trồng rau màu, hoa tươi cũng được mùa. Nguồn cung tăng nhưng thị trường tiêu thụ lại khá trầm lắng.
Sau Tết là lúc người dân ở xã Tây Tựu là vựa hoa lớn nhất của Hà Nội đến thời kỳ thu hoạch các loại hoa như cúc, ly, hồng... chủ yếu là phục vụ cho các lễ hội.
Tuy nhiên, ngày này về đến làng hoa Tây Tựu nhìn những cánh đồng hoa đang đến kỳ thu hoạch nhưng không ai hái bị bỏ chết cháy trên cánh đồng, hoặc những đống hoa đã cắt bị bỏ khô trên bờ ruộng.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 xảy ra mọi lễ hội bị ngừng hoạt động nên hoa tươi không có nơi tiêu thụ, thương lái báo tạm dừng nhập hoa, người trồng hoa như ngồi trên "đống lửa."
[Hà Nội: Người trồng hoa tại làng hoa Tây Tựu lao đao vì COVID-19]
Anh Nguyễn Văn Bính, ở làng hoa Tây Tựu chia sẻ, năm nay nhà anh trồng 1 sào (360m2) hoa cúc và 3 sào hoa ly. Mọi năm Tết ra hoa ly và hoa cúc thương lái tìm đến hỏi mua rất nhiều, trồng không đủ bán, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hoa để chết héo ngoài ruộng không ai mua.
Trong năm đầu tư giống hoa cúc, củ giống hoa ly (giá 11.000 đồng/củ, nhưng bán có 10.000-12.000 đồng/cành), rồi vật tư nông nghiệp, điện chiếu sáng chưa kể công sức vất vả bỏ ra chăm sóc, đến giờ thì vốn cũng không thu hồi nổi mà còn thâm hụt nhiều nữa - anh Bính ngậm ngùi nói.
Đồng cảnh ngộ như gia đình anh Bính, bác Nguyễn Thị Vân, ở làng hoa Tây Tựu cho biết, trước Tết thấy tình hình dịch bệnh có vẻ phức tạp, bác đã cắt bán được 3 sào, vừa đủ vốn. Hiện nay, vẫn còn hơn 1 sào nữa không ai mua nên tôi đành phải cắt bỏ để dưỡng đất rồi trồng lứa hoa khác.
Như các năm trước, sau Tết thường có rất nhiều lễ hội tổ chức nên lượng hoa được tiêu thụ nhanh, đặc biệt là các loại hoa cúc. Như năm ngoái gia đình bác bán hoa cúc giá hơn 200.000 đồng/bó, mỗi bó 50 bông, nhưng năm nay chỉ bán được với giá khoảng từ 50.000-70.000 đồng. Điều đáng nói là giá như này nhưng vẫn rất khó bán.
Hiện nay, ở Hà Nội, không chỉ có người dân trồng hoa ở xã Tây Tựu huyện Bắc Từ Liêm khóc ròng vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 mà tại vùng trồng rau xanh ở xã Tráng Việt huyện Mê Linh đến thời kỳ thu hoạch cũng không tiêu thụ được.
Xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) được xem là một trong những vựa rau lớn nhất của Hà Nội. Tại đây, trung bình mỗi ngày bà con nông dân cung ứng cho thị trường khoảng 200-300 tấn rau củ quả các loại; trong đó, nhiều nhất là củ cải, cải ngồng, cà chua, su hào...
Chị Phạm Thị Dung, ở xã Tráng Việt huyện Mê Linh cho biết, gia đình chị canh tác 4 sào rau ăn lá. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên rau ăn lá được mùa, đồng thời sau Tết, giá rau xanh lại giảm sâu, chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg các loại. Giá giảm sâu, nhưng việc tiêu thụ cũng rất khó khăn do nhu cầu thị trường không cao.
Bên cạnh đó, do dịch bệnh xảy ra nên nhiều trường học cho học sinh nghỉ ở nhà học online, việc tiêu thụ rau xanh, củ quả cho các bếp ăn tập thể cũng giảm mạnh.
Ngoài rau ăn lá ra, hầu hết các loại rau củ quả khác cũng bị rớt giá trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Cụ thể, cà chua mua tại vườn chỉ còn 1.300 đồng/kg, củ cải mua buôn có giá 1.000-1.500 đồng/kg, su hào dao động từ 500-1.000 đồng/củ... So với thời điểm bình thường trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, mức giá nông sản giảm đến 60-70%.
Theo ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, nếu như trước đây vựa rau cung ứng cho thị trường từ 200-300 tấn/ngày, thì nay sức tiêu thụ giảm còn khoảng trên dưới 80 tấn/ngày./.