Nguồn nhân lực hàng hải thiếu hụt cả lượng và chất

Những gì đang diễn ra đối với ngành vận tải biển Việt Nam không nằm ngoài nguyên nhân về chất lượng yếu kém của nguồn nhân lực hàng hải. Với khoảng 27.000 người làm việc trên đội tàu, thuyền viên Việt Nam bị đánh giá là thiếu hụt lớn về số lượng, yếu kém về chất lượng.

Trong khi đó, theo Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2020, Việt Nam phải có 33.000 thuyền viên, trong đó sỹ quan là 15.000 người. Đồng thời, đội ngũ thuyền viên này phải đảm bảo chất lượng ngang tầm khu vực và thế giới.
Theo Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2020, Việt Nam phải có 33.000 thuyền viên, trong đó sỹ quan là 15.000 người. Đồng thời, đội ngũ thuyền viên này phải đảm bảo chất lượng ngang tầm khu vực và thế giới.

Thiếu hụt cả lượng và chất


Từ trước đến nay, thuyền viên Việt Nam chủ yếu được đào tạo tại Trường Đại học Hàng hải Hải Phòng, Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng và Cao đẳng nghề Duyên hải Hải Phòng.

Theo số liệu công bố của các trường, trung bình hàng năm có từ 1.000-1.400 thuyền viên được đào tạo từ trình độ đại học đến sơ cấp và đủ các chuyên môn nghề đi biển. Ước tính đến nay khoảng 45.000 người đã được đào tạo, nhưng người đã bỏ nghề hoặc hết tuổi đi biển chiếm chừng 40% tổng số đã được đào tạo. Do đó, chỉ còn khoảng 27.000 thuyền viên còn làm việc trên đội tàu trong nước và lao động theo hợp đồng ở các tàu của nước ngoài.

Theo đánh giá của thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Thuyền trưởng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển Thành phố Hồ Chí Minh, sau 20 năm triển khai Công ước quốc tế về tiêu chuẩn đào tạo, chứng nhận và trực ca cho thuyền viên (Công ước STCW), thuyền viên Việt Nam bị đánh giá là thiếu hụt lớn về số lượng, yếu kém về chất lượng. Thị trường lao động trong nước phải chấp nhận một cách miễn cưỡng, còn thị trường lao động hàng hải quốc tế chấp nhận với tỷ lệ quá nhỏ bé so với con số đã được đào tạo.

Minh chứng là trong 6 tháng đầu năm 2011, Cục Hàng hải Việt Nam đã thống kê được 33 vụ tai nạn hàng hải, trong đó có hai vụ cực kỳ nghiêm trọng làm chết và mất tích 9 người, có 5 phương tiện bị chìm đắm. Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2011, Chính quyền Cảng (PSC) của nước ngoài đã lưu giữ 48 tàu Việt Nam trên tổng số 582 tàu được kiểm tra, do các khiếm khuyết ảnh hưởng đến khả năng hoạt động an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường...

Thông báo mới nhất của Cục Hàng hải cho thấy trong quý 1 năm nay có 204 tàu biển Việt Nam được PSC kiểm tra, trong đó có 13 tàu bị lưu giữ bởi có tới 181 khiếm khuyết các loại, trong đó có 38 khiếm khuyết nghiêm trọng buộc phải lưu giữ tàu.

Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đánh giá trên 80% số nguyên nhân các sự cố tàu biển là do yếu tố con người. Những gì đang diễn ra đối với ngành vận tải biển Việt Nam không nằm ngoài nguyên nhân về chất lượng yếu kém của nguồn nhân lực hàng hải. Vì vậy, để đưa ngành này vươn lên đứng hàng thứ hai trong kinh tế biển, hội nhập sâu rộng vào vận tải biển toàn cầu, cần phải có những giải pháp đổi mới, mang tính đột phá trong giáo dục và đào tạo thuyền viên trong những năm tới.

Những giải pháp đột phá

Để từ năm 2015 trở đi, Việt Nam đào tạo được 8.000 thuyền viên đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, ngoài hai trường đại học và các trường dạy nghề hàng hải hiện nay, cần quy hoạch ngay mạng lưới đào tạo khắp toàn quốc, nhất là các vùng duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng Bắc Bộ nhằm thu hút con em ngư dân; đồng thời mở rộng diện đào tạo nghề biển cho các vùng xa thành thị để hạn chế học sinh bỏ nghề sau khi tốt nghiệp.

Mặt khác, việc mở rộng diện xét tuyển ở các trường cao đẳng, dạy nghề là rất cần thiết. Việc xây dựng chế độ đào tạo liên thông lên đại học cho thuyền viên, sau khi họ đã có thâm niên đi biển từ 1-2 năm, đi đôi với việc đổi mới đào tạo huấn luyện thuyền viên theo yêu cầu của khách hàng, cũng cần được thực hiện.

Các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải coi đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực vận tải biển là quốc sách, qua đó tính toán đầu tư thích đáng cho việc mở rộng quy mô đào tạo, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trường hàng hải; lấy ngày 25/6 của IMO hàng năm là ngày tôn vinh thuyền viên, miễn giảm thuế thu nhập cho nghề đi biển và nghiên cứu chế độ bảo hiểm đặc biệt cho nghề này.

Điều mấu chốt của những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo thuyền viên, trước hết là nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ thầy giáo giảng dạy trong các trường hàng hải. Cần có chính sách đào tạo thầy giáo giỏi bằng cách mở riêng 1 hoặc 2 trung tâm đào tạo hướng dẫn viên, thuê chuyên gia nước ngoài, mời chuyên gia IMO trực tiếp tham gia giảng dạy, sau đó thầy giáo trong nước sẽ dần thay thế.

Các doanh nghiệp vận tải biển cũng nên đóng góp vào tiến trình đào tạo thuyền viên, tham gia tiếp nhận và quản lý sinh viên, thuyền viên thực tập./.

Văn Hào (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục