Nguồn vốn tín dụng chính sách trợ lực cho giảm nghèo bền vững tại Ninh Thuận

Hiện nay, tín dụng chính sách đang hỗ trợ cho 80.100 khách hàng tại Ninh Thuận với tổng dư nợ các chương trình đạt 3.377 tỷ đồng và 103.276 món vay, hoàn thành 81% kế hoạch tăng trưởng.

Đoàn công tác Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ. (Ảnh: Vietnam+) khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ
Đoàn công tác Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ. (Ảnh: Vietnam+) khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ

Dịp này, về vùng đất nơi cuối của dãy Trường Sơn - Ninh Thuận, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cùng các thành viên đoàn công tác đã chứng kiến dòng vốn chính sách đang hàng ngày, hàng giờ lan rộng trên khắp mọi thôn làng, tiếp sức cho người nghèo và các đối tượng chính sách, phủ màu xanh no ấm trên mảnh đất này.

"Thay da đổi thịt" nhờ vốn tín dụng

Bắc Sơn là xã đặc biệt khó khăn nằm ở phía Đông Nam của huyện Thuận Bắc. Toàn xã có 2.174 hộ dân, có 3 dân tộc anh em cùng chung sống (Kinh, Chăm, Raglai). Trong đó số hộ dân tộc thiểu số là 1.540 hộ/7.813 khẩu, chiếm 91,14% số hộ hành chính. Mặc dù hộ nghèo cuối năm 2022 là 700 hộ, chiếm tỷ lệ 32,2%; hộ cận nghèo là 248 hộ, chiếm tỷ lệ 11,4% số hộ toàn xã nhưng những năm gần đây Bắc Sơn đang chuyển mình nhanh chóng “thay da đổi thịt” với tỷ lệ thoát nghèo hằng năm đạt trên 5%.

Điểm tựa cho sự thay đổi này không thể thiếu trợ lực từ nguồn vốn chính sách của Chính phủ do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện bền bỉ hơn 21 năm qua.

Đặc biệt, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ triển khai trong thời gian qua đã tiếp thêm làn gió mới cho tín dụng chính sách, giúp nhiều người dân vượt qua khó khăn hậu COVID-19, thắp sáng ước mơ thoát nghèo bền vững, tiến tới làm giàu.

Như hộ anh Dương Quang Sang, sinh năm 1985, dân tộc Chăm ở thôn Bỉnh Nghĩa. Tháng 12 năm trước vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm chăn nuôi 7 con bò, 40 con dê, trồng 2 sào cỏ làm thức ăn cho dê, bò.

Hay như hộ chị Thị Thảo, sinh năm 1988, dân tộc Raglai ở thôn Xóm Bằng cũng mạnh dạn vay 90 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội về nuôi 4 con bò, trồng 1 sào cỏ, 5 sào rẫy bắp (ngô) và đậu đen.

Ông Tôn Long Dũng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bắc Sơn cho biết, tổng dư nợ các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đến nay đạt 15,9 tỷ đồng với 246 khách hàng vay vốn. Những nỗ lực triển khai Nghị quyết số 11 đã cộng hưởng chung vào dòng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Đến ngày 20/11/2023 doanh số cho vay đạt 25.891 triệu đồng với 611 lượt hộ vay. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 101 tỷ đồng, với 1.744 khách hàng/2.714 món vay đang còn dư nợ, tăng 8,9% so với đầu năm.

IMG_3462.JPG
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng và lãnh đạo địa phương thăm mô hình vay vốn chính sách gia đình anh Dương Quang Sang, dân tộc Chăm ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Lê Minh Lộc - Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 và Nghị định số 36/2022/NĐ-CP, doanh số cho vay từ đầu Chương trình đến 20/11/2023 đạt 389 tỷ đồng, cho hơn 7.890 lượt khách hàng được vay vốn (trong đó doanh số cho vay là 196,7 tỷ đồng, cho hơn 3.190 lượt khách hàng được vay vốn). Dư nợ đạt hơn 383 tỷ đồng với 7.829 khách hàng đang vay, tập trung ở chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 295,1 tỷ đồng/5.568 hộ,...

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách

Ông Lê Minh Lộc cho biết thêm, tín dụng chính sách là một trụ cột giảm nghèo tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt sau khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội nhận uỷ thác đã góp phần lan tỏa chính sách tín dụng sâu rộng hơn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân các cấp bố trí ngân sách địa phương chuyển nguồn vốn sang Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thành và vượt kế hoạch giao hằng năm, đưa nguồn vốn của địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tăng 86,8 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40, trong đó năm 2022 và 2023 tăng 37 tỷ đồng; tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 106,7 tỷ đồng, góp phần đưa tổng nguồn vốn của ngân hàng tại tỉnh Ninh Thuận đến ngày 20/11 đạt 3.387 tỷ đồng, tăng hơn 444 tỷ đồng so với năm 2022.

Đây là cơ sở để trong năm 2023, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận tiếp tục mở rộng cho vay vốn đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến ngày 20/11 doanh số cho vay tại tỉnh Ninh Thuận đạt 1.097 tỷ đồng với 28.814 lượt hộ; doanh số thu nợ là 654 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã đến 25 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nay, tín dụng chính sách đang hỗ trợ cho 80.100 khách hàng với tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 3.377 tỷ đồng và 103.276 món vay, hoàn thành 81% kế hoạch tăng trưởng.

Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, huyện Thuận Bắc và xã Băc Sơn, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và thành quả trong triển khai tín dụng chính sách của tập thể chi nhánh.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc cũng nhấn mạnh đến những điểm yếu cần phải khắc phục và có những phương án mới triển khai trong thời gian tới như chất lượng tín dụng vẫn chưa bền vững, nguồn vốn ủy thác địa phương năm 2023 đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh cân đối, bố trí hoàn thành kế hoạch được Ngân hàng Chính sách xã hội giao, số dư còn thấp, mới đạt 106,7 tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng nguồn vốn, thấp hơn bình quân chung toàn quốc là 11,5% tổng nguồn vốn; cho vay một số chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/NĐ-CP còn chậm.

IMG_3814.JPG
Nắm bắt thông tin về nhu cầu vay vốn của các hộ vay thông qua Tổ tưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. (Ảnh: Vietnam+)

Cùng chi nhánh phân tích nguyên nhân khó khăn, vướng mắc, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạo, để có thể hoàn thành kế hoạch năm 2023 cũng như tạo đà thực thi hiệu quả hơn các chương trình tín dụng chính sách trong những năm tiếp theo, tập thể chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận cần bám sát chỉ đạo của Hội đồng quản trị ngân hàng, tỉnh ủy… tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

Trọng tâm là tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, bám sát và phối hợp với cơ quan tài chính báo cáo, tham mưu Ủy ban Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân các cấp ưu tiên, cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội theo mục tiêu của tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh đề ra đến năm 2025 đạt từ 6%-8% so với tổng nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn.

Bên cạnh đó chủ động báo cáo tỉnh Ninh Thuận cho phép trình và triển khai “Đề án cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương đối với các phường, thị trấn và các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2025” nhằm tăng tốc giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, giảm bớt lượng lao động đi tìm kiếm việc làm ngoài tỉnh, góp phần tích cực nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động và gia đình, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện, hằng năm, bổ sung nguồn vốn cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP cho tỉnh Ninh Thuận cùng các chương trình tín dụng hiện đang triển khai trên địa bàn để không ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục