Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm Khóa IX, kinh tế tập thể, hợp tác xã đang trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trong suốt hành trình phát triển, với sứ mệnh chủ lực đầu tư phát triển “Tam nông,” Agribank đã và đang có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung.
Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan
Trong mười năm qua, từ năm 2013 đến năm 2022, số lượng hợp tác xã trong nông nghiệp có xu hướng tăng, với tốc độ bình quân khoảng 4,8%/năm. Đặc biệt từ khi Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành, số lượng hợp tác xã tăng mạnh, trong năm 2022 với 2.036 hợp tác xã, đã tăng trên 7,4% so với năm 2021.
Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng liên tục qua các năm. Đến nay, cả nước có khoảng 31.700 hợp tác xã, 158 liên hiệp hợp tác xã và 73 nghìn tổ hợp tác. Trong tổng số hợp tác xã toàn quốc có 20.357 hợp tác xã nông nghiệp và 11.343 hợp tác xã phi nông nghiệp. Doanh thu bình quân hằng năm của mỗi hợp tác xã đạt trên 5,5 tỷ đồng (lợi nhuận đạt 350 triệu đồng/hợp tác xã).
[Agribank dành 10.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi 5 ngành trọng điểm]
Mới đây, tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 8 phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đảng, Nhà nước cũng xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sau khi được các Hội nông dân hỗ trợ thành lập đã làm ăn có lãi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, xây dựng được các thương hiệu sản phẩm OCOP; các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều hợp tác đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.
Những nỗ lực của Agribank
Trong hành trình 35 năm xây dựng và trưởng thành, Agribank là ngân hàng đi đầu trong công tác triển khai các chương trình tín dụng chính sách và chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Agribank là ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ cho lĩnh vực này luôn chiếm từ trên 65%-70% trong tổng dư nợ tín dụng.
Từ dòng vốn ngân hàng, nhiều nông dân đã trở thành các chủ trang trại, chủ đầu tư những mô hình sản xuất quy mô lớn hơn, tạo ra nhiều việc làm với thu nhập cao hơn cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Cũng tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 8, ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết trong 1.200 hợp tác xã có quan hệ tín dụng với ngân hàng thì đã có tới 653 hợp tác xã có quan hệ tín dụng qua hệ thống của Agribank, chiếm 1/3 dư nợ trong toàn hệ thống ngân hàng.
Dư nợ hợp tác xã tại Agribank được trải đều khắp các vùng miền của tổ quốc, đặc biệt các khu vực có dư nợ cao phải kể đến: khu vực miền núi cao biên giới, khu vực Trung du Bắc Bộ, khu vực thành phố Hà Nội. Agribank luôn nỗ lực để đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khẳng định vai trò chủ lực đầu tư phát triển lĩnh vực này. Hiện gần 70% vốn của Agribank nằm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đây là thị trường nòng cốt của Agribank.
Thực hiện Nghị định 55/2015/ND-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank đã ban hành quy chế về tín dụng, trong đó đặc biệt dành nhiều chính sách ưu đãi cho khách hàng khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khách hàng là hợp tác xã.
Tại Agribank, mức tín dụng không đảm bảo tài sản đối với các tổ chức, hợp tác xã được quy định rất rõ: Tối đa 01 tỷ đồng đối với hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 02 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; tối đa 03 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
Đối với Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vay theo mô hình liên kết: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Agribank nơi cho vay xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu mối ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Agribank nơi cho vay xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết...
Với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công của công tác phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn. Mặc dù vậy, trên thực tế, việc cấp tín dụng cho các hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tập thể còn gặp khá nhiều khó khăn, cần sự chung tay tháo gỡ của Chính phủ, các cấp Bộ, ngành.
Một số khó khăn như vốn đối ứng của các hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu, để đảm bảo các điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo tài chính minh bạch, bài bản, thẩm định cũng chưa hoàn thiện; tài sản cũng là vấn đề, nhiều hợp tác xã có nhà lưới, nhà xưởng nhưng tài sản đó đi đồng bộ với giấy tờ đất, kể cả đất thuê bị thế chấp chưa đảm bảo tính pháp lý; tính trách nhiệm của các thành viên trong doanh nghiệp, hợp tác xã chưa cao, chưa chặt chẽ…
Trong thời gian tới, khi những khó khăn vướng mắc đó được tháo gỡ, các hợp tác xã sẽ được tiếp cận nhiều hơn nữa với vốn tín dụng ngân hàng, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển ổn định kinh tế đất nước./.