Khánh Hòa tăng cường hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo ở Khánh Hòa thấp chỉ còn 3,2%, hộ cận nghèo còn 4,86% vào cuối năm 2022 nhưng chủ yếu lại tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng (thứ 2 bên trái) thăm mô hình vay vốn gia đình chị Cà An, dân tộc Cơ Ho ở thôn Gia Rich, xã Giang Ly. (Ảnh: Vietnam+)
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng (thứ 2 bên trái) thăm mô hình vay vốn gia đình chị Cà An, dân tộc Cơ Ho ở thôn Gia Rich, xã Giang Ly. (Ảnh: Vietnam+)

Nói đến Khánh Hòa là nói đến một vùng đất đầy tiềm năng phát triển kinh tế biển với du lịch, cảng biển, khu kinh tế mở... Nhưng, phía sau những gam màu tươi sáng ấy, việc phát triển kinh tế bền vững của Khánh Hòa vẫn còn nhiều thách thức.

Bài toán phá bỏ “lõi nghèo” không đơn thuần cần định hướng phát triển kinh tế của địa phương và tín dụng chính sách xã hội. Mà quan trọng hơn là việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm ăn của người dân. Đây cũng là điều mà mỗi cán bộ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa cùng hệ thống chính trị của địa phương đặt quyết tâm lẫn trọng tâm dồn lực thực hiện trong những năm qua.

Tập trung công phá “lõi nghèo”

Có mặt trong đoàn công tác của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng về trực tiếp kiểm tra triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 40/CT-TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi về xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh - địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 cả nước.

Chương trình mục tiêu Quốc gia đã làm thay đổi cơ sở hạ tầng nông thôn nhưng việc giảm nghèo còn đối mặt với những khó khăn lớn khi toàn xã Giang Ly có 326 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 77,62% hộ dân, 57 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 13,57% hộ dân. Thu nhập bình quân mỗi hộ chỉ vẻn vẹn khoảng 13,4 triệu đồng/năm, thấp hơn mức trung bình của huyện (24 triệu đồng/năm). Nguyên nhân không chỉ do địa hình đồi núi mà quan trọng hơn là nhận thức của người dân về phát triển kinh tế vẫn hữu hạn.

Báo cáo của xã Giang Ly cho thấy, còn 213 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo chưa tiếp cận nguồn vốn chính sách. Trong đó, ngoài 62 hộ già cả, ốm đau không có sức lao động, có tới 69 hộ không có uy tín và 41 hộ thuộc diện chính sách xã hội vẫn đang trông chờ ỷ lại vào trợ cấp thường xuyên của Nhà nước.

Bởi vậy câu chuyện như cơm bữa của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị-xã hội cũng như chính quyền xã là “vào tận ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền vận động các hộ dân từ thay đổi tư duy nhận thức trong làm ăn, phát triển kinh tế. Mỗi cán bộ tín dụng, trực tiếp là Giám đốc, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khánh Vĩnh đều nhớ từng con số hộ vay tăng lên mỗi tháng, bởi khích lệ được một hộ dân tham gia vay vốn sản xuất, kinh doanh là đích công phá lõi nghèo thêm gần.

Đơn cử như gia đình chị Cao Thị Diễm, sinh năm 1994, dân tộc Raglai ở thôn Gia Lố. Ước mong giảm nghèo đang được hiện thực hóa bằng nguồn vốn vay hộ nghèo 50 triệu đồng từ tháng 5 để mạnh dạn đầu tư trồng 2 ha rừng keo. Ngoài ra, gia đình còn trồng thêm 8 xào mì (sắn), 10 cây sầu riêng, 20 cây bưởi và nuôi 4 con dê.

Còn với hộ gia đình anh Hà Đinh, sinh năm 1976, dân tộc Cơ Ho ở thôn Gia Lố. Cầm trong tay 100 triệu đồng vốn tín dụng chương trình duy trì và mở rộng việc làm còn “nóng hổi” mà Ngân hàng Chính sách xã hội vừa giải ngân trong ngày, mong muốn của gia đình không chỉ thoát nghèo bền vững mà hơn thế là nâng cao chất lượng sống, tiến tới làm giàu chính đáng. Hiện gia đình anh có 5 ha, trong đó 2 ha keo đã trồng. Nguồn vốn chính sách vừa vay này anh dự kiến trồng 3 ha keo còn lại, nếu còn dư tiền sẽ dùng vào mục đích đào ao nuôi cá chép và cá trắm đỏ.

Ông Cao Dê Sy - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Giang Ly cho biết, năm 2022 và 11 tháng của năm 2023 đã có 127 lượt hộ vay vốn chính sách với doanh số 5,2 tỷ đồng.

Không để ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn

Từng lõi nghèo được công phá đã và đang góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững tại Khánh Hòa - nơi có 136 xã, phường, thị trấn, trong đó có 25 xã thuộc vùng khó khăn, 66 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

2.jpg
Đoàn công tác Trung ương làm việc với Huyện uỷ, Ủy ban Nhân dân huyện Khánh Vĩnh và xã Giang Ly. (Ảnh: Vietnam+)

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa Hồ Đắc Thích cho biết, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương tăng thêm 402 tỷ đồng và tăng hơn 60 tỷ đồng so với năm 2022, đưa tổng nguồn vốn ủy thác tại địa phương đạt 565 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách tỉnh là 484 tỷ đồng, ngân sách huyện 80 tỷ đồng. Hàng năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà còn có chương trình riêng hỗ trợ lãi suất cho các hộ vay vốn về nhà ở, các đối tượng hoàn lương, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2023 (tính đến ngày 20/11/2023) tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 317 tỷ đồng. Lũy kế từ 1/1/2022 đến 20/11/2023 chi nhánh đã giải ngân 1.954 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 36,5 tỷ đồng theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Những nỗ lực này đã góp phần phát huy hiệu quả hơn nguồn vốn chính sách trên địa bàn. Tính đến ngày 20/11 tổng nguồn vốn chính sách đạt 4.130 tỷ đồng, tăng 343 tỷ đồng (+9,06%) so với năm 2022. Doanh số cho vay đến ngày 20/11 đạt 1.118 tỷ đồng, với 30.836 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Tổng dư nợ đạt 4.104 tỷ đồng với 137.652 khách hàng đang vay.

Tín dụng chính sách xã hội đã giúp 30.836 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tạo việc làm cho 10.205 lao động; giúp 15.473 lượt hộ xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, 457 lượt học sinh, sinh viên, 1.369 lượt hộ vay vốn hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; hỗ trợ mua mới, xây dựng 63 căn nhà xã hội theo Nghị định số 100/NĐ-CP; góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 2,64%, hộ cận nghèo giảm còn 4,3% vào cuối năm 2023. Toàn tỉnh có 63 xã đạt nông thôn mới.

Thông tin tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng đánh giá tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

3.jpg
Ngân hàng Chính sách huyện Khánh Vĩnh giải ngân vốn cho các hộ dân trong xã Giang Ly. (Ảnh: Vietnam+)

Ghi nhận những khó khăn trong triển khai hoạt động tại chi nhánh do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tăng trưởng dư nợ của chi nhánh mới chỉ đạt đạt 327 tỷ đồng, hoàn thành 72,82% kế hoạch giao, Tổng Giám đốc yêu cầu ban lãnh đạo và tập thể chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa cần cố gắng nỗ lực khắc phục khó khăn tập trung giải ngân vốn theo kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024 tới đây.

Để hoàn thành các mục tiêu này, Tổng Giám đốc nhấn mạnh, chi nhánh cần bám sát Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là các đề án giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, đề án giảm nghèo của huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh...

Tổng Giám đốc cũng yêu cầu chi nhánh phối hợp tốt với các tổ chức chính trị-hội nhận ủy thác, các Sở, ban ngành có liên quan để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù; đề xuất các Đề án, cơ chế chính sách mới cho vay bằng nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương...

Ban lãnh đạo chi nhánh và các đơn vị trực thuộc quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với các đối tượng chính sách khác, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững phát triển kinh tế để Khánh Hòa trở thành một động lực phát triển quan trọng của cả vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước - một điểm đến kết nối với khu vực và thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục