Tại Bến Tre, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân, nhất là những đối tượng yếu thế. Việc thực hiện Chỉ thị góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Trước đây thuộc diện khó khăn, với 4 nhân khẩu, gia đình chị Huỳnh Thị Hằng, ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre phải chật vật xoay xở nợ nần khi vay vốn bên ngoài để trang trải chi phí sản xuất, do thiếu vốn.
May mắn là năm 2021, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Sơn, Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Phú Hiệp giới thiệu chị tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội và được hỗ trợ vay 70 triệu đồng để làm cây giống, hoa kiểng, trồng tắc kiểng để bán dịp Tết.
Nhờ chí thú làm ăn, qua 2 năm, chị thu lãi trên 90 triệu đồng, cuộc sống gia đình bớt khó khăn, có thêm điều kiện lo cho con học hành.
Chị Hằng chia sẻ nguồn vốn tín dụng chính sách với thời gian cho vay dài, lãi suất thấp thực sự là "phao cứu sinh" cho gia đình giữa lúc túng bấn. Đối với chị, nguồn vốn trao tay như "chiếc cần câu" giúp chị giải tỏa được nỗi lo về vốn trong giai đoạn kinh tế khó khăn, an tâm sản xuất để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Cũng thuộc diện hộ nghèo của xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, thu nhập gia đình bà Huỳnh Thị Đông (55 tuổi) ở ấp Thanh Tây chủ yếu chỉ trông chờ vào 2.000 m2 đất quanh nhà. Nhưng mọi chuyện đã khác kể từ khi bà tham gia sinh hoạt tại xã, được tuyên truyền về chủ trương chính sách của nhà nước, về chính sách tín dụng ưu đãi và được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay để thoát nghèo. Năm 2016, từ nguồn vốn giải ngân 25 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, bà mạnh dạn chăn nuôi lợn. Nhờ chí thú làm ăn, đến cuối năm 2019, bà đã trả hết vốn vay và lãi, xóa được hộ nghèo, chuyển sang hộ cận nghèo. Không để tái nghèo, cuối năm 2019, bà được tiếp cận nguồn vay mới 50 triệu đồng trong Chương trình cho vay hộ cận nghèo. Đến cuối 2022, bà đã xóa hết nợ và thoát cận nghèo. Hiện bà được Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vay vốn Chương trình cho vay giải quyết việc làm với số tiền 90 triệu đồng, trong thời gian 3 năm, để mở rộng chuồng trại, phát triển chăn nuôi đàn lợn và bò.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre, trong thời gian qua, đơn vị đã thực hiện 14 chương trình tín dụng ưu đãi, dư nợ đạt 4.228 tỷ đồng, tăng 2.770 tỷ đồng (189,9%) so với trước khi có Chỉ thị 40, với hơn 114.800 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính dụng chính sách đã lan tỏa đến 100% ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ tiết kiệm và vay vốn xây dựng 157 điểm giao dịch tại cấp xã, đưa các dịch vụ ngân hàng như: cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động vốn, tiết kiệm… về cấp xã để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách và các dịch vụ ngân hàng, góp phần hạn chế "tín dụng đen."
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười thông tin trong giai đoạn 2014-2024, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Bến Tre đã giải quyết cho vay 339.565 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với số tiền 9.356 tỷ đồng.
Tín dụng chính sách đã giúp gần 45.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững; tạo việc làm mới cho 54.319 lượt lao động; trong đó, có trên 1.700 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; giúp hơn 11.000 học sinh, sinh viên vay vốn học tập; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 958 căn nhà; hỗ trợ xây mới và cải tạo 135 nhà ở xã hội....
Tín dụng chính sách đã giúp địa phương xây dựng 273.706 công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh nông thôn; cho vay 20.012 hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; cho vay 565 thương nhân vùng khó khăn; cho vay 38 người sử dụng lao động để trả lương cho 5.468 người lao động; cho vay 683 học sinh sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến; cho vay 17 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập...
Tín dụng chính sách góp phần đáng kể vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn (giai đoạn 2011-2015 giảm từ 11,58% xuống 5,5%, giai đoạn 2016-2020 theo tiêu chí nghèo đa chiều giảm từ 12,11% cuối năm 2015 xuống còn 3,58% vào cuối năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí nghèo đa chiều giảm từ 4,26% cuối năm 2021 xuống còn 2,63% vào cuối năm 2023; cuối năm 2024 dự kiến còn 2,25%).
Bà Nguyễn Thị Bé Mười cho biết thêm xác định rõ vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ, trong thời gian tới, Bến Tre sẽ tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội phù hợp từng giai đoạn; tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách Xã hội mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Đồng thời, tỉnh cũng cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương (bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên) ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội, phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15%/tổng nguồn vốn.
Bên cạnh đó, Bến Tre cũng chú trọng nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, chất lượng hoạt động ủy thác, đảm bảo quản lý tốt hoạt động tín dụng chính sách, làm tốt công tác nhận diện, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả; nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch xã.
Mặt khác, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn và năng lực cho đội ngũ Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, có uy tín, biết sử dụng công nghệ ngân hàng, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung công việc được Ngân hàng Chính sách Xã hội ủy nhiệm; chú trọng kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả; thường xuyên phối hợp với hội đoàn thể, các địa phương rà soát, sắp xếp Tổ tiết kiệm và vay vốn theo cụm dân cư liền kề.
Điều quan trọng là tuyên truyền, vận động tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện đúng quy ước hoạt động của tổ như sử dụng vốn vay đúng mục đích; trả nợ, trả lãi đầy đủ và đúng hạn; tích cực thực hành tiết kiệm qua tổ hằng tháng; hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn...
Bà Nguyễn Thị Bé Mười cũng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung phối hợp để rà soát, xử lý thu hồi nợ của khách hàng đi khỏi nơi cư trú, nợ quá hạn, lãi tồn đọng. Ngoài ra, phải duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã, tập trung nhân lực, trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo giao dịch an toàn, hiệu quả./.