Nguy cơ sạt lở đất, ngập úng cục bộ ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió lên đến mực 5.000m, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 30-60mm/12 giờ.
Nguy cơ sạt lở đất, ngập úng cục bộ ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ 7 giờ ngày 8/2 đến 7 giờ ngày 9/2, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to tại một số khu vực như: Mường Ảng (Điện Biên) 117mm, Ô Quý Hồ (Lào Cai) 104mm, Lao Chải (Hà Giang) 59mm, Mường Giôn (Sơn La) 101mm, Na Mèo (Thanh Hóa) 91mm...

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió lên đến mực 5.000m, trong ngày 9/2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 30-60mm/12 giờ, có nơi trên 70mm/12 giờ.

Đến 13 giờ ngày 9/2, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa, mưa vừa, lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-30mm, có nơi mưa to trên 50mm.

Cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hóa…

Những địa phương có nguy cơ cao gồm Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp (Sơn La); Mường Nhé, Mường Ảng, Nậm Pồ (Điện Biên); Bát Xát, Sa Pa (Lào Cai); Trấn Yên (Yên Bái); Quan Sơn, Mường Lát (Thanh Hóa).

Các chuyên gia khí tượng khuyến cáo lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

[Lào Cai: Xuất hiện lũ trái mùa, cảnh báo nguy cơ sạt lở bất ngờ]

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... để kịp thời ứng phó, di chuyển đến nơi an toàn.

Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về trượt lở, lũ quét, tốt nhất là đến được các cấp xã, bản, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ trượt lở cao; cắm biển cảnh báo ở các vị trí có nguy cơ trượt lở cao, tăng cường sử dụng tri thức của người dân địa phương trong phòng chống lũ quét, sạt lở đất.

Thực tế, nhiều vụ lũ quét, sạt lở đất xảy ra nhưng giảm thiểu được thiệt hại là nhờ vào kinh nghiệm phát hiện trước thiên tai của người dân địa phương.

Các địa phương cần có các giải pháp công trình tập trung vào nghiên cứu và xây dựng các đập ngăn bùn đá và các công trình phụ trợ tại các khu vực có nguy cơ cao và tập trung dân cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục