Tối 6/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức lễ trao giải Cuộc thi Báo chí viết về nông thôn mới.
Cuộc thi này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thực hiện.
Theo Ban tổ chức, “Cuộc thi báo chí viết về Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp” được tổ chức từ năm 2017 đến 2020, được bình xét hàng năm và tổng kết vào cuối năm 2020, gắn với tổng kết phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Ngay trong năm đầu tiên phát động, đã có gần 450 tác phẩm dự thi (có hơn 60 tác phẩm báo hình, báo tiếng).
Trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng Hội đồng giám khảo đã chọn ra 38 tác phẩm đoạt giải Chung khảo, bao gồm 1 giải A, 9 giải B, 11 giải C, 17 giải Khuyến khích, cùng 5 giải Đồng hành của Agribank đối với một số tập thể, cá nhân tích cực tham dự cuộc thi.
Đặc biệt, trong cuộc thi năm nay, có nhà báo Đinh Hữu Dư của TTXVN thường trú tại Yên Bái đã tham dự cuộc thi (gửi loạt bài ngày 7/7/2017, thể loại Báo Điện tử), đã hy sinh trong khi tác nghiệp đưa tin về tình hình bão lũ tại Yên Bái (tháng 10/2017). Nhà báo Đinh Hữu Dư đã được Hội đồng giám khảo trao giải B cho loạt bài viết về nông thôn mới tại Yên Bái.
Đây là một tấm gương điển hình trong khi tác nghiệp tại khu vực khó khăn, bão lũ... để có những tác phẩm báo chí phản ánh thực tế. Qua đó, khơi dậy phong trào chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp của lớp phóng viên trẻ hiện nay.
[Xúc động buổi tọa đàm ''Đinh Hữu Dư - Lửa nghề cháy mãi'']
Để có được những phản ánh sát thực tiễn, nhiều phóng viên, cộng tác viên đã không quản ngại khó khăn, lăn lộn với thực tiễn, tác nghiệp trực tiếp tại những vùng sâu đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Qua đó, các nhà báo có được nhiều bài viết thực tế, có chiều sâu, không chỉ phản ánh mà còn phân tích, chỉ ra được nguyên nhân của thành công, nêu gương điển hình tiên tiến để tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương khác học hỏi.
Theo ban tổ chức, cuộc thi năm 2017 đã được sự quan tâm của các cơ quan báo chí, góp phần tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của xã hội đối với chương trình xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Đây thực sự là hoạt động báo chí quan trọng, cổ vũ, động viên và tôn vinh các phóng viên, biên tập viên, cá nhân tích cực tham gia phản ánh tin bài, tuyên truyền, vận động về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới, thời gian tới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương xác định một số nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, phát triển hạ tầng gắn với phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm định hình 3 trục sản phẩm, nhân rộng mô hình "Mỗi xã một sản phẩm"; Tăng cường bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, thích ứng biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, bảo vệ an ninh trật tự khu vực nông thôn.
Để đạt được mục tiêu đó, rất cần các cơ quan báo chí có nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp, bám sát với tình hình thực tế, phản ánh đa chiều, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, củng cố diễn đàn công luận công khai, dân chủ, minh bạch và phát huy được vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng thôn, xóm, thực hiện đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.”
Đến tháng 12/2017, cả nước có 3.069 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 34,3%), bình quân cả nước đạt 13,87 tiêu chí/xã; Có 44 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới./.