Nhà báo Thái Duy, tác giả của 'Khoán chui hay là chết' từ trần

Nhà báo Thái Duy không chỉ đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, mà còn là một trong những cây bút đi đầu đấu tranh cho cho tiến bộ xã hội.

Nhà báo Thái Duy đã tạ thế, hưởng thọ 99 tuổi. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Nhà báo Thái Duy đã tạ thế, hưởng thọ 99 tuổi. (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Theo thông tin từ gia đình, nhà báo Thái Duy, cây đại thụ của báo chí cách mạng Việt Nam đã từ trần tối 14/4, hưởng thọ 99 tuổi.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, suốt sự nghiệp báo chí của mình, nhà báo Thái Duy luôn chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc Nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

“Sống như là viết, viết là sống. Cả cuộc đời làm báo của Thái Duy là cuộc đời của một con người phấn đấu không mệt mỏi, không chùn bước để ‘chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tươi tốt’ như lời Bác Hồ căn dặn trong Di chúc,” ông Nguyễn Đức Lợi nói.

Theo ông Lợi, nhà báo Thái Duy không chỉ đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước, mà còn là một trong những cây bút đi đầu đấu tranh cho cái mới, cho tiến bộ xã hội, lên tiếng cho nông dân để thúc đẩy cho sự ra đời của khoán 10 trong nông nghiệp, xóa bỏ hình thức khoán việc làm suy sụp nền kinh tế, nông dân đói nghèo những năm 1970-1980.

vnp_thaiduy4.jpg
Một số hiện vật liên quan đến nhà báo Thái Duy hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhà báo Thái Duy tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926 tại Bắc Giang.

Ông tham gia cách mạng, làm báo Cứu Quốc từ năm 1949, là một trong số ít nhà báo tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt tại Hầm Đờ Cát vào thời khắc lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.

Năm 1964, ông vào Nam, cùng hai đồng nghiệp thành lập báo Giải Phóng thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ngày 4/2/1977, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng được sáp nhập vào Báo Đại Đoàn Kết và ra số đầu tiên ngày 5/2/1977. Ông tiếp tục làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đến năm 1995 thì nghỉ hưu. Là cây bút chủ lực của Báo Đại Đoàn Kết viết về "khoán chui" từ năm 1979 đến 1986, những bài báo của ông đã được tập hợp lại thành cuốn sách "Khoán chui hay là chết," được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2013.

Nhà báo Thái Duy tiếp tục làm phóng viên báo Đại Đoàn Kết đến năm 1995 thì nghỉ hưu. Như vậy, cả cuộc đời ông chỉ công tác tại một cơ quan báo chí duy nhất và chỉ làm phóng viên.

Nhà báo Thái Duy cũng có bút danh khác là Trần Đình Vân. Bút danh này gắn liền với tác phẩm nổi tiếng “Sống như Anh” - viết về cuộc đời Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi qua lời kể của chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi.

Ngay khi đọc bản thảo tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi, chỉ đạo in thành sách. Cuốn sách được chính Bác Hồ viết đề tựa: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập...".

vnpthaiduy0.jpg
Nhà báo lão thành Thái Duy (trái) tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam năm 2023. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ban đầu cuốn sách có tên là “Những lần gặp gỡ cuối cùng,” sau đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đổi tên thành “Sống như Anh,” cho đăng nhiều kỳ trên các báo, xuất bản lần đầu tại Nhà xuất bản Văn học tháng 7/1965 với 302 nghìn bản. Tác phẩm sau đó được tái bản liên tục, được dịch ra nhiều thứ tiếng, trở thành bản anh hùng ca với thanh niên nhiều thế hệ.

Năm 2023, ông vẫn đích thân đến dự lễ ra mắt phim tài liệu "Thái Duy-Sống và viết" tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Tuổi đời ngót gần trăm, nhà báo Thái Duy vẫn rất minh mẫn. Ông bảo rằng trong số bảy nhà báo lão thành được tôn vinh tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu” năm 2020, chỉ có ông là người duy nhất còn giữ chức danh phóng viên trong khi những người còn lại đều đã là lãnh đạo cơ quan báo chí./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục