Ngày 15/6, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cùng đoàn công tác của Bộ Công thương đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên về việc vận hành hồ chứa, phòng chống lụt bão của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Trúc và Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn.
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có ba nhà máy thủy điện là Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’Năng với tổng công suất 354 Mw.
Các nhà máy này nằm trên sông Ba và các sông thuộc nhánh của sông Ba, đang vận hành khá ổn định, nhưng vẫn còn một số tồn tại trong vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo môi trường, trồng rừng phòng hộ…
Khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác trồng rừng của các nhà máy thủy điện là thiếu quỹ đất.
Để xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ công suất 220 Mw phải mất 3.363 ha đất, trong đó có 204 ha đất lâm nghiệp.
Đối chiếu theo Nghị định 23/2006/NĐ-CP thì sau khi hoàn thành, Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ phải có trách nhiệm trồng lại 204 ha rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng phục hồi cảnh quan môi trường, nhưng đến nay Công ty mới thực hiện 24 ha.
Tương tự Công ty cổ phần thủy điện Krông H’năng cũng chưa trồng lại 175 ha rừng sau khi đưa nhà máy có công suất 64 Mw chính thức hòa lưới điện quốc gia vào tháng 8/2010.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích rừng trồng theo báo cáo tác động môi trường của các nhà máy thủy điện vẫn chưa thực hiện được do địa phương chưa bố trí được quỹ đất.
Công tác đảm bảo môi trường cũng đang được triển khai tích cực, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu cho các nhà máy và cấp nước cho vùng hạ du.
Hàng năm các ngành chức năng căn cứ vào mùa vụ và nhu cầu sử dụng nước để có phương thức huy động công suất của các nhà máy thủy điện trong mùa khô phù hợp với lịch gieo sạ, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng kết luận cả 3 dự án thủy điện ở Phú Yên đã đi vào vận hành nên những khó khăn chủ yếu nằm ở vấn đề định canh, định cư. Qua đó, Thứ trưởng đề nghị các nhà máy thủy điện tập trung nguồn lực sớm đưa vào vận hành trạm bơm buôn Lé và thống nhất phương án đền bù cho người dân cho phù hợp theo phương án mà địa phương chọn.
Ngoài ra, việc tái định canh định cư ở Suối Trai còn vướng mắc, địa phương cũng cần sớm có phương án thực hiện theo phương thức trung ương, địa phương, doanh nghiệp và người dân cùng phối hợp thực hiện.
Việc trồng rừng cải tạo môi trường, các địa phương nơi có nhà máy thủy điện phải xác định nguồn đất để các nhà máy trồng rừng theo kế hoạch. Đối với dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện phải làm việc cụ thể với địa phương, thống nhất quy chế phối hợp vận hành hồ chứa để đảm bảo lượng nước xả hợp lý cả mùa lũ và mùa khô, ưu tiên nước cho sản xuất nông nghiệp.
Riêng dự án thủy điện An Khê – KaNat (tỉnh Gia Lai) vận hành có ảnh hưởng đến vùng hạ lưu thuộc địa phận tỉnh Phú Yên, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo để nhà máy này vận hành đảm bảo dòng chảy tối thiểu.
Bộ Công thương cũng yêu cầu các địa phương phải có quy trình phối hợp chặt chẽ để việc xả nước của nhà máy không ảnh hưởng đến vùng hạ du./.