Theo kết quả kiểm tra chất lượng công trình tại các dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nam-Thanh Hóa, Bộ Giao thông Vận tải đã “mổ xẻ” và truy tìm được nguyên nhân gây hiện tượng hằn lún vệt bánh xe là do xe quá tải phá hỏng mặt đường, công tác thiết kế và chất lượng thi công còn nhiều khiếm khuyết đồng thời kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các đơn vị liên quan.
Truy tìm "thủ phạm"
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo Viện Khoa học Công nghệ và các chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ Hà Nam đến Thanh Hóa tiến hành kiểm tra chất lượng công trình qua việc khảo sát chi tiết hư hỏng mặt đường và đo chiều sâu vệt hằn lún bánh xe; kiểm định chất lượng thi công các lớp kết cấu áo đường; thu thập số liệu về lưu lượng, tải trọng trục xe chạy trên tuyến; khảo sát số liệu về nhiệt độ.
Theo ông Sanh, đường lún hằn vệt bánh xe là do nhiều nguyên nhân về chất lượng các lớp bê tông mặt đường (yếu tố vật liệu nhựa, cốt liệu, chất lượng thi công, giám sát...)
Điển hình, tại đoạn Quốc lộ 1 đoạn Phủ Lý-cầu Đoan Vĩ (dài 15,1km) có 6/8 vị trí không đạt chiều dày móng dưới cấp phối đá dăm, 3/8 vị trí không đạt chiều dày móng trên cấp phối đá dăm. Với thành phần hạt không đạt về lớp bê tông nhựa là 7/9 và 8/7 mẫu, với lớp cấp phối đá dăm thì tỉ lệ này chiếm 100% số mẫu không đạt; từ 80-90% mẫu bê tông nhựa không đạt về độ rỗng dư và hàm lượng nhựa.
Còn với đoạn Quốc lộ dài 13,6km qua Ninh Bình, qua kiểm tra 11 vị trí thấy 2-3 vị trí bê tông nhựa và móng cấp phối đá dăm không đạt chiều dày, 90-100% vị trí không đạt thành phần hạt, 4 mẫu cấp phối đá dăm không đạt độ đầm nén, riêng lớp bê tông nhựa có 9/11 mẫu không đạt độ rỗng dư, 11/11 mẫu không đạt hàm lượng nhựa…
Kết quả khảo sát, thống kê thực tế hệ thống đường trên của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho thấy, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe chủ yếu do có lưu lượng, tải trọng xe chạy lớn vượt quá giới hạn cho phép (cả về tải trọng trục, tổng tải trọng); thời tiết nắng nóng; các vị trí có đặc điểm đặc biệt như: gần trạm thu phí, đèo dốc, đường cong, đèn tín hiệu giao thông, trạm kiểm tra của cảnh sát giao thông...
Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông,về kết quả đếm xe ở tuyến Quốc lộ 1 này, xe tải trọng lớn chở vật liệu xây dựng, hàng hóa, container, xe khách đều chiếm tỷ trọng trên 50% trong thành phần dòng xe. Dù tải trọng trục theo tiêu chuẩn là 10 tấn nhưng tỷ lệ vượt tải trọng trục 12 tấn khá phổ biến, như đoạn qua Ninh Bình chiếm 23%, Thanh Hóa 15%. Thậm chí, nhiều xe tải trọng trục lên đến hơn 27 tấn…
Qua thu thập số liệu về nhiệt độ các năm từ 2010 đến nay, thời tiết nóng nhất qua các địa phương này vào khoảng tháng 5, 6, 7 và 8, với nền nhiệt độ cao nhất khoảng 38 – 41 độ C. Khi đó, nhiệt độ bề mặt bê tông nhựa sẽ lên đến khoảng từ 54 - 68,5 độ C là một trong những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường bê tông nhựa.
“Hiện tượng hằn lún theo vệt bánh xe sẽ phát triển nhanh hơn vào mùa hè, nhất là khi đường có nhiều xe tải trọng nặng. Mức độ vượt tải lớn tác động nhiều lần lên mặt đường, làm xuất hiện hằn lún vệt bánh xe, đặc biệt tại các vị trí bất lợi như: Chất lượng thi công còn khiếm khuyết, gần trạm thu phí, nút giao, đường cong…,” ông Sanh khẳng định.
Sẽ hạ bậc xếp hạng nhà thầu
Đề cập đến việc nền, móng, mặt đường bê tông nhựa có đảm bảo chất lượng, vị Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho rằng, hiện tượng hằn lún xảy ra về nguyên nhân chủ quan còn do tồn tại về công tác thiết kế và thi công.
“Khảo sát thiết kế ngay từ giai đoạn lập dự án đến thiết kế kỹ thuật không thực hiện công tác cân tải trọng trục xe, không làm thí nghiệm xác định môđun đàn hồi các loại vật liệu phục vụ thiết kế kết cấu áo đường, các khu vực có điều kiện tự nhiên hay yếu tố hình học khác nhau vẫn áp dụng chung một loại kết cấu áo đường,” ông Sanh cho biết.
Đánh giá về công tác thi công, ông Sanh cũng nhìn nhận, nhiều vị trí thiếu chiều dày kết cấu; thành phần hạt, độ chặt, độ rỗng dư không đảm bảo; hàm lượng nhựa không đạt yêu cầu.
“Kết quả kiểm tra các mẫu tại hiện trường cho thấy, việc kiểm soát vật liệu đầu vào thiếu chặt chẽ, công nghệ thi công chưa phù hợp. Hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu còn nhiều hạn chế,” ông Sanh khẳng định.
Nhằm khắc phục triệt để hiện tượng trồi, sụt lún nền mặt đường, trước mắt, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo nhà thầu khẩn trương sửa chữa những đoạn hằn lún sâu (sâu hơn 2,5cm) để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan.
Về lâu dài, các chủ đầu tư và đơn vị thi công phải tiếp tục theo dõi tuyến đường, khắc phục các tồn tại phát sinh; tăng cường kết cấu áo đường để bù lại những khiếm khuyết do chất lượng thi công không đảm bảo; tăng cường quản lý chất lượng nhựa đường; kiểm soát chặt các thiết bị và vật liệu đầu vào, nguồn cung cấp và trạm trộn; lập các trạm cân xe để ngăn chặn xe quá tải...
Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm, Cục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu chủ đầu tư chỉ thanh toán cho nhà thầu theo chiều dài, khối lượng nhựa thực tế sử dụng. Nhà thầu phải kéo dài thời gian bảo hành do chất lượng công trình không đảm bảo từ 3-5 năm tùy theo khiếm khuyết của các gói thầu.
“Các nhà thầu thực hiện dự án sẽ bị hạ bậc xếp hạng năng lực trong danh sách công bố năm 2013. Các đơn vị tư vấn cũng sẽ bị trừ điểm khi đánh giá xếp hạng đồng thời phải kiểm điểm trách nhiệm, cá nhân tham gia giám sát công trình. Còn chủ đầu tư và các ban quản lý dự án trực thuộc phải kiểm điểm rõ trách nhiệm cá nhân tham gia quản lý, điều hành các dự án trên,” ông Sanh cho hay./.