Nhà viết kịch Chu Thơm là tác giả những vở kịch đã và đang nóng trên sân khấu trong Nam ngoài Bắc như “Mỹ nhân và anh hùng,” “Làm đĩ”…Ông cũng là một người có rất nhiều trăn trở về việc đưa sân khấu vào nhịp sống văn hóa hôm nay. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi cởi mở với ông trong những ngày cuối ông tham gia trại viết.
- Cảm xúc của nhà viết kịch khi được tham gia trại sáng tác kịch bản về là gì, thưa ông?
Nhà viết kịch Chu Thơm: Đã từ nhiều năm nay, nếu có đề cương tốt, mỗi năm các tác giả sân khấu sẽ được Trung ương Hội và các Hội Sân khấu, các Hội Văn học nghệ thuật địa phương mời đi dự ít nhất hai trại sáng tác kịch bản.
Vậy là, so với những thành phần sáng tạo khác như đạo diễn, diễn viên sân khấu, các tác giả là những người được ưu ái hơn cả. Ở trại sáng tác, ngoài việc được nuôi ăn ngày ba bữa, được cấp tiền tiêu vặt, được “bứt” khỏi sự xô bồ, bụi bặm của thành phố, các tác giả được sống trong khung cảnh thơ mộng với núi non, cây xanh ở Đại Lải, Tam Đảo, biển và những bờ cát trắng ở Nha Trang, Vũng Tàu để có thể toàn tâm toàn ý mà sáng tác. Vui lắm!
- Chính vì thế có ý kiến cho rằng so với những thành phần sáng tạo khác như đạo diễn, diễn viên sân khấu, các tác giả là những người được ưu ái hơn cả, ông có thể cho biết sự trăn trở của mình?
Nhà viết kịch Chu Thơm: Có lẽ chính vì vậy mà với tư cách là một trại viên, tôi luôn đau đáu xem mình phải viết gì để đáp lại sự ưu ái mà Hội dành cho mình. Chả lẽ lại tiếp tục viết đề tài lịch sử, ca ngợi danh nhân như nhiều người đã viết hay là dựa vào phim Hàn, phim Tàu, phim Tây để viết thành chuyện Việt, hay lại đào sâu vào cái đề tài mà nhiều khán giả chẳng bao giờ hết tò mò là chuyện chân dài và đại gia, chuyện giám đốc cơ quan và kế toán trưởng “bắt bồ” thụt két rồi cùng nhau bỏ trốn, chuyện đi tìm những đứa con hoang của mình sau những năm tháng dài bỏ bê chúng?
Có một hội diễn sân khấu thế kỷ 21 này “được mùa” đề tài viết về những cô gái thanh niên xung phong chửa hoang với những chàng lính trên đường ra mặt trận hoặc những người đàn bà góa vĩ đại ở hậu phương thủ tiết thờ chồng, nuôi con; có hội diễn lại thấy các tác giả “trốn” đề tài hiện đại bằng cách “vịn” vào những câu chuyện dân gian vô thưởng vô phạt có tính an toàn cao khi kiểm duyệt…
- Vậy, các tác giả kịch bản phải làm gì để tránh “lối mòn” như vậy, thưa ông?
Nhà viết kịch Chu Thơm: Để tránh những “vết xe đổ” cũ ấy, giờ đây viết gì là cả một vấn đề không đơn giản mặc dù trong sáng tác vẫn chỉ có ba cách: Thứ nhất: Nói chuyện cũ bằng cách cũ. Cách này khả năng hay rất ít, khả năng bị khán giả la ó “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” là nhiều.
Thứ hai: Nói chuyện cũ bằng cách mới. Khả năng thành công của tác phẩm loại này phụ thuộc rất nhiều vào tài của người viết khi biết “phả” hơi thở cuộc sống hiện đại vào chuyện cũ, coi đó là ngụ ngôn.
Và cách viết thứ ba: Nói chuyện mới bằng cách mới. Cứ tưởng rằng dễ hay và hấp dẫn nhưng lại rất khó, khi người viết phải chắt lọc chuyện của ngày hôm nay, tìm ra từ đó những chuyện điển hình của đời sống, mang hơi thở của thời đại để đáp ứng được sự bội thực về thông tin (trong đó có rất nhiều thông tin “rác” của cuộc sống hôm nay).
- Ông nghĩ gì về vai trò của sân khấu trong cuộc sống hôm nay?
Nhà viết kịch Chu Thơm: Trong thời buổi mà sân khấu được coi là một loại hàng hóa đặc biệt, không ít khán giả coi sân khấu là cái chợ mua vui và giải sầu, mua vé vào để xả căng thẳng sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Khán giả muốn được cười đến chảy nước mắt và khóc như cười khi được thấy trên sân khấu những cảnh ngộ đời thường mà họ đang vướng phải giúp họ có thể tìm lời giải đáp để có thể hiểu mình, hiểu người hơn.
Cũng có thể xem xong thay vì đi nhảy cầu tự tử, họ sẽ bình tâm trở về nhà chứ không đòi hỏi những triết lý sâu xa, những chiêm nghiệm và tư duy trừu tượng, rối bời hoặc dạy dỗ họ. Thực tế những người lính dũng cảm nhìn thấy tử thần nhiều hơn bình minh về lòng yêu nước, đức hy sinh.
- Vậy theo ông người viết kịch bản trong tình hình hôm nay cần có điều gì?
Nhà viết kịch Chu Thơm: Nghĩ về sự thức thời của người cầm bút, trước tiên tôi hay nghĩ về sự tinh đời và tỉnh táo sàng lọc thông tin khi viết về các sự kiện và các nhân vật nổi tiếng của ngày hôm nay để không kể chuyện đời mà đúc kết, rút ra ngụ ngôn từ nó.
Đặc biệt phải tỉnh táo với những chuyện ngày hôm qua, vì bao nhiêu thế hệ người Việt đã bị các nhà sử học vì sự an toàn của bản thân và gia đình mà đã “đâm tòe ngọn bút” của mình, không dám viết lên sự thật, làm sai lệch lịch sử, lừa dối hậu thế khiến những bậc hào kiệt trung thần như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lê Văn Thịnh bị khép vào tội phản nghịch, Lê Long Đĩnh - vị vua sáng, giờ đây vẫn mang hình ảnh là một kẻ tàn bạo, hoang dâm vô độ trong tâm thức người Việt hiện đại.
- Nhân vật luôn là trung tâm của các kịch bản, xây dựng nhân vật thành công thì kịch bản mới "sống" mà kịch bản hay thì nhà hát mới hết cảnh đìu hiu. Theo ông loại nhân vật nào đang rất cần cho sân khấu?
Nhà viết kịch Chu Thơm: Đất nước ta và sân khấu cũng đang cần loại nhân vật biết mình là ai và đang đứng ở vị trí nào để thoát ra ma lực của những tham vọng chiếm hữu và những tầm nhìn thiển cận theo ngôn ngữ hiện đại là “không vượt qua tờ 500 ngàn đồng” của “tư duy nhiệm kì,” “mưa ngày nào mát mặt ngày ấy” và tâm thế sẵn sàng từ bỏ cội rễ, những tình cảm tốt đẹp của quá khứ, từ bỏ những giá trị thiêng liêng của một bộ phận người không nhỏ trong xã hội.
Đáng tiếc sân khấu của chúng ta hiện nay quá thiếu loại nhân vật trung tâm cần thiết, đến mức một nhà viết kịch đã phải cảnh báo: “Sân khấu của ta hiện nay tràn ngập nhân vật xấu. Người xấu và những việc xấu được các tác giả say mê mô tả đến mức lấn át hết những mảng sống tươi đẹp, những con người nhân hậu biết hy sinh khiến khán giả, nhất là khán giả trẻ bi quan, lệch lạc khi nhìn nhận con người và xã hội hiện tại.”
Chính vì vậy mà việc đưa người tốt lên sân khấu, biến họ thành nhân vật trung tâm, chế ngự được cái xấu, cái ác là việc làm cần thiết của mỗi tác giả sân khấu hôm nay. Vẫn biết rằng đó là một việc không dễ, nhưng làm những việc tốt, việc thiện có bao giờ dễ dàng đâu?!
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Anh (Vietnam+)