Ngày 30/5, khoảng 1 triệu nhân viên ngân hàng đã đình công trên khắp Ấn Độ, yêu cầu mức lương thỏa đáng hơn, đồng thời đề nghị chính phủ nước này vào cuộc "nghiêm trị" các công ty trốn nợ.
Đại diện công đoàn ngành ngân hàng Devidas Tuljapurkar cho biết chỉ riêng cuộc biểu tình tại thành phố Mumbai đã thu hút khoảng 5.000 công nhân viên.
Đoàn người biểu tình cho rằng họ đang "phải trả giá cho núi nợ xấu" của Ấn Độ. Họ cũng không hài lòng với đề xuất tăng lương 2% do khối lượng công việc của các nhân viên ngân hàng đã tăng lên kể từ khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đắc cử cách đây 4 năm và triển khai hàng loạt sáng kiến kinh tế.
Hiện tại, tỷ lệ lạm phát của nước này cũng chỉ còn vào khoảng 4,5%.
[ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ]
Hoạt động đình công dự kiến kéo dài 2 ngày, từ 30-31/5, khiến hàng chục nghìn chi nhánh ngân hàng nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại tại một số khu vực ở Ấn Độ lâm vào cảnh ngưng trệ giao dịch.
Vấn đề nợ xấu trở thành tâm điểm chú ý ở Ấn Độ hồi tháng 3/2016 khi Vijay Mallya, ông trùm ngành bia và ngành hàng không trốn sang Vương quốc Anh nhằm "xù nợ" ngân hàng với tổng số tiền gần 1 tỷ USD.
Hồi đầu năm nay, Chính phủ Ấn Độ thông báo tổng nợ xấu của các ngân hàng tại đây hiện ở mức hơn 120 tỷ USD.
Tỷ lệ nợ xấu cao đồng nghĩa với việc các ngân hàng ít có khả năng cho vay các khoản vốn đầu tư lớn, từ đó kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế.
Hiện Chính phủ Ấn Độ vẫn đang nỗ lực giúp các ngân hàng thuộc sở hữu của nhà nước khắc phục các khoản nợ xấu sau khi hồi tháng 10 năm ngoái phê chuẩn kế hoạch điều chỉnh cơ cấu vốn 32 tỷ USD cho các đơn vị cho vay gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng trao nhiều quyền hơn cho Ngân hàng trung ương Ấn Độ can thiệp vào các trường hợp nợ xấu và yêu cầu các đơn vị cho vay xử lý các khoản nợ xấu căn cứ theo luật phá sản mới./.