Nhật Bản bổ sung 4 ngành nghề được cấp thị thực lao động nước ngoài có tay nghề

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tiếp nhận tới 820.000 người nước ngoài theo thị thực lao động có tay nghề trong 5 năm tài chính tiếp theo kể từ tháng 4 tới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: japantimes)
Ảnh minh họa. (Nguồn: japantimes)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 29/3, Chính phủ Nhật Bản đã bổ sung 4 ngành mới vào chương trình thị thực lao động nước ngoài có tay nghề, với thời hạn thị thực lên tới 5 năm, để thu hút thêm lao động nước ngoài nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động trong nước.

Quyết định của chính phủ giúp tăng số lượng các ngành đủ điều kiện được cấp thị thực lao động có tay nghề đặc định số 1 lên 16 ngành.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi hệ thống này được triển khai vào năm 2019, Chính phủ Nhật Bản cho phép mở rộng số lượng ngành nghề trong thị thực lao động nước ngoài tay nghề đặc định số 1, bao gồm vận tải đường bộ và đường sắt cũng như lĩnh vực lâm nghiệp và gỗ.

Nhu cầu lao động nước ngoài của Nhật Bản đã tăng lên một phần do tỷ lệ sinh giảm. Chính phủ rất lo ngại về sự thiếu hụt rõ rệt trong ngành vận tải và hậu cần, vốn có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn khi giới hạn mới về số giờ làm thêm đối với tài xế bắt đầu có hiệu lực vào tháng 4.

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tiếp nhận tới 820.000 người nước ngoài theo thị thực lao động có tay nghề trong 5 năm tài chính tiếp theo kể từ tháng 4 tới, nhiều hơn gấp đôi con số ước tính được chấp nhận trong 5 năm tính đến năm tài chính 2023 kết thúc vào tháng 3.

Sau khi lấy ý kiến công chúng về cải cách, chính phủ sẽ sửa đổi các quy định liên quan, bao gồm các sắc lệnh của Bộ Tư pháp, để bắt đầu tiếp nhận người nước ngoài có tay nghề cao trong 4 lĩnh vực nói trên.

Tại cuộc họp Nội các, Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi đã yêu cầu các bộ trưởng liên quan “chuẩn bị tiếp nhận lao động nước ngoài ngay lập tức và nỗ lực hiện thực hóa một xã hội cộng sinh, hài hòa.”

Theo kế hoạch bổ sung lao động cho lĩnh vực vận tải đường bộ, những người nước ngoài có tay nghề sẽ được tiếp nhận làm tài xế xe bus, taxi và xe tải tại các công ty đã được Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch cấp phép.

Vì tài xế xe bus và taxi thường xuyên giao tiếp với hành khách nên người lao động phải đạt trình độ N3 của Kỳ thi năng lực tiếng Nhật, cấp độ cao thứ 3 trong 5 cấp độ của kỳ thi. Đây là điều kiện khắt khe hơn so với yêu cầu để làm việc trong các lĩnh vực khác.

Trong lĩnh vực đường sắt, lao động lành nghề có thể được chấp nhận đảm nhận các vai trò liên quan đến sản xuất toa tàu và bảo trì đường ray. Họ cũng có thể đảm nhận vai trò lái tàu, người soát vé và nhân viên nhà ga. Chính phủ cũng bổ sung các hoạt động liên quan đến dệt may, sắt thép và in ấn trong ngành sản xuất, một lĩnh vực đã được áp dụng trong chương trình.

Lao động nước ngoài có visa đặc định số 1 phải vượt qua bài kiểm tra về trình độ chuyên môn và tiếng Nhật để có thể làm việc ngay. Visa đặc định số 2 cho phép thời gian lưu trú không giới hạn, mở ra cơ hội thường trú và cho phép người lao động đưa thân nhân sang Nhật Bản.

Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh-nhập cư Nhật Bản, tính đến cuối tháng 12/2023, có khoảng 208.000 nước ngoài có thị thực số 1 và 37 người có thị thực số 2 đang làm việc tại Nhật Bản.

Quyết định điều chỉnh được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản vừa chấp thuận thay thế chương trình thực tập sinh nước ngoài gây tranh cãi bằng một hệ thống thực tập sinh mới tập trung vào phát triển kỹ năng và bảo vệ quyền của người lao động.

Chương trình mới sẽ cho phép thực tập sinh chuyển đổi doanh nghiệp sử dụng lao động với những điều kiện nhất định và đạt được các kỹ năng cần thiết để chuyển sang thị thực Lao động có tay nghề đặc định số 1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục