Theo sách trắng của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 6/10, các doanh nghiệp giao thông vận tải và bưu chính có số lượng người lao động mắc chứng rối loạn não bộ và tim mạch, thậm chí tử vong do làm việc quá sức, ở mức cao nhất.
Cụ thể, các doanh nghiệp trong hai ngành trên chiếm 30% tổng số ca mắc các chứng rối loạn nói trên trong giai đoạn 2014-2015, với 464 người. Tiếp theo là ngành bán buôn và bán lẻ với 229 người. Ngành công nghiệp chế tạo ghi nhận số trường hợp rối loạn tâm thần liên quan đến công việc cao nhất - với 349 người.
Tính theo độ tuổi, số người lao động mắc chứng rối loạn não bộ và tim mạch nhiều nhất chủ yếu trong độ tuổi từ 50-59 tuổi. Số ca tự tử do rối loạn tâm thần thường rơi vào các trường hợp lao động nam trong độ tuổi 40 và lao động nữ ở tuổi 29 hoặc trẻ hơn.
Dựa trên kết quả khảo sát đối với chủ sử dụng lao động và người lao động ngành giao thông vận tải và kinh doanh quán ăn - các ngành ghi nhận số ca tử vong và tự tử do làm việc quá sức ở mức cao kỷ lục, Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm việc vừa sức và các biện pháp nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần, đồng thời kêu gọi các chủ sử dụng lái xe giảm giờ làm cho người lao động trong các kỳ nghỉ và ca đêm vào mùa cao điểm kinh doanh tháng 12.
[Nhật Bản công bố danh sách các công ty vi phạm luật lao động]
Sách trắng cũng nêu rõ qua phân tích các kết quả khảo sát đối với 10.000 doanh nghiệp và 20.000 người lao động trong giai đoạn 2015-2016, Chính phủ Nhật Bản hối thúc các doanh nghiệp giảm giờ làm và tăng số ngày nghỉ lễ cho người lao động so với hiện tại.
Nhật Bản công bố sách trắng nói trên trong bối cảnh Chỉnh phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang nỗ lực tìm cách cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động sau khi xảy ra vụ tự tử của một người lao động mới được tuyển dụng song phải làm việc quá sức tại công ty quảng cáo lớn Dentsu ở nước này, và trường hợp một phóng viên đài NHK tử vong liên quan đến công việc.
Sách trắng đề cập những sáng kiến do Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất nhằm điều chỉnh cách thức làm việc, chẳng hạn hạn chế làm ngoài giờ.
Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Katsunobu Kato nhấn mạnh bộ này sẽ không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm xóa bỏ thực trạng người lao động tử vong do làm việc quá sức, đồng thời cam kết xây dựng một xã hội mà ở đó người dân có cơ hội làm việc trong điều kiện tốt, đảm bảo sức khỏe./.