Tập đoàn truyền phát dữ liệu hình ảnh Dwango hàng đầu Nhật Bản và Trường Đại học Tokyo cho biết sẽ hợp tác nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới có khả năng suy nghĩ, tư duy như con người.
Kỳ vọng của Dwango và Đại học Tokyo là đến năm 2030 sẽ phát triển thành công AI có khả năng tìm tòi, phát minh như những nhà khoa học, quan sát diễn biến tâm lý con người, viết tiểu thuyết...
AI thế hệ mới được đặt tên là trí tuệ người thường, sẽ được số hóa các hoạt động của bộ não con người. Chúng cũng sẽ được đào tạo từ những hoạt động đơn giản nhất như dùng tay cầm các vật dụng, học ngôn ngữ.
Những thành quả mới nhất trong quá trình nghiên cứu, phát triển AI sẽ được công khai trong cộng đồng các nhà nghiên cứu tham gia dự án với kỳ vọng sự đóng góp rộng rãi của các chuyên gia về công nghệ thông tin, khoa học thần kinh sẽ giúp cải tiến và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.
Nếu nghiên cứu thành công, ứng dụng của AI sẽ rất rộng lớn, từ tự động soạn thảo nội dung truyền phát trên mạng Internet, tự động điều khiển ôtô xử lý các trường hợp nguy hiểm, lắp vào các người máy có thể tham gia hỗ trợ con người trong nhiều lĩnh vực...
Các AI được nghiên cứu cho đến nay chỉ có khả năng của một phần bộ não con người. Do đó, cần phải có thiết kế cho mỗi hoạt động như thu nhận nguyên tắc, thông dịch và xử lý hình ảnh.
Dwango là tập đoàn có nền móng phát triển AI với một viện nghiện cứu AI trực thuộc.
Để thực hiện dự án này, cơ sở nghiên cứu của Dwango và Đại học Tokyo sẽ sớm thành lập một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận và dự kiến nhân lực tham gia tổ chức này sẽ lên tới 100 người trong vài năm tới.
Thành quả nghiên cứu sẽ được ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp./.