Nhật Bản đề cử 1.000 con hạc giấy Sadako thành Di sản Văn hóa UNESCO

1.000 con hạc giấy cùng những bản ghi chép viết tay của cô bé Nhật Bản Sadako - biểu tượng của tinh thần chống chiến tranh và vũ khí hạt nhân - được đệ trình để trở thành Di sản Văn hóa UNESCO.
Nhật Bản đề cử 1.000 con hạc giấy Sadako thành Di sản Văn hóa UNESCO ảnh 1Những con hạc giấy mà Sadako Sasaki gấp khi nằm viện. (Nguồn: Kyodo)

Sadako Sasaki là một bé gái 12 tuổi người Nhật Bản đã chết vì bệnh bạch cầu do nhiễm phóng xạ từ quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima vào năm 1945.

Em được nhớ đến như một biểu tượng thắp sáng hy vọng cho những bệnh nhân ung thư máu nói chung và do bị phơi nhiễm phóng xạ nói riêng ở Nhật Bản cũng như trên toàn thế giới, vì đã gấp hơn 1.000 con hạc giấy origami trên giường bệnh với niềm tin rằng chúng sẽ giúp em hồi phục.

Giờ đây, ông Masahiro, 81 tuổi - anh trai của Sadako Sasaki, cùng những người thân khác đang chuẩn bị đệ trình lên UNESCO 1.000 con hạc giấy cùng các hiện vật khác, trong đó có những bản ghi chép viết tay, của Sadako Sasaki để ghi vào danh sách Sổ Lưu giữ Ký ức Thế giới (Memory of the World Register) vào năm 2025, nhân kỷ niệm 80 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Cái tên Sadako Sasaki đã gắn liền với thảm họa bom nguyên tử ở Nhật Bản hồi năm 1945. Khi quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima, Sadako khi ấy mới 2 tuổi, tuy không bị chấn thương nào song em đã bị phơi nhiễm phóng xạ.

Chín năm sau, vào mùa Thu năm 1954, cơ thể của Sadako xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, và vào tháng Hai năm sau, cô bé 12 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh máu trắng phải nhập viện chữa trị.  

Trong thời gian được điều trị ở bệnh viện, Sadako được nghe câu chuyện dân gian về việc gấp 1.000 con hạc giấy để biến điều ước thành hiện thực.

Với mong ước được khỏe mạnh trở lại và được về nhà, Sadako đã kiên trì không nghỉ gấp được hơn 1.000 con hạc giấy. Tuy nhiên, điều ước của cô bé đã không thành hiện thực và Sadako đã không thể qua khỏi sau 8 tháng nhập viện điều trị. Cô bé qua đời vào ngày 25/10/1955. 

"Memory of the World Register" là một sáng kiến do UNESCO khởi động từ năm 1997 nhằm bảo quản những di sản tư liệu quý giá trên thế giới.

Anh Yuji - cháu trai của Sadako - cho biết ý tưởng nói trên được nhen nhóm sau khi biết được rằng cuốn nhật ký của cô bé người Do Thái Anne Frank - người viết lại câu chuyện cuộc đời mình khi lẩn trốn Đức Quốc xã trong những năm 1940 - cũng được đưa vào danh sách "Memory of the World Register" của UNESCO.

Theo chia sẻ của người thân của Sadako, hạc giấy là những vật thể có hình khối phức tạp 3 chiều chứ không phải là những tư liệu lưu trữ thông thường, vì thế để được đưa vào danh sách trên, cần phải đệ trình cùng các ghi chép của cô bé.

Theo chia sẻ của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, việc đánh giá và xem xét các hồ sơ đệ trình được tiến hành 2 năm một lần. Vì vậy, các nước có thể đệ trình 2 hồ sơ để UNESCO xem xét.

Nhật Bản đề cử 1.000 con hạc giấy Sadako thành Di sản Văn hóa UNESCO ảnh 2Những con hạc giấy của cô bé Sadako Sasaki, nạn nhân bị phơi nhiễm phóng xạ do thảm họa bom nguyên tử ở Nhật Bản hồi năm 1945, được trưng bày tại Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima ngày 17/5/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tại Nhật Bản, câu chuyện của Sadako đã trở thành một di sản đặc biệt. Sau khi qua đời, câu chuyện của Sadako đã khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều cuốn sách và phim ảnh. Đồng thời, hạc giấy đã trở thành biểu tượng cho tinh thần chống chiến tranh và vũ khí hạt nhân cũng như khát vọng hòa bình của người dân Nhật Bản nói riêng và người dân trên toàn thế giới nói chung.

Sau cái chết của Sadako, các bạn cùng lớp của cô đã nảy ra ý tưởng xây dựng một tượng đài dành riêng cho cô và tất cả những đứa trẻ khác đã chết do vụ đánh bom nguyên tử.

Nhật Bản đề cử 1.000 con hạc giấy Sadako thành Di sản Văn hóa UNESCO ảnh 3Tượng đài Hòa bình với cô gái nhỏ mô phỏng Sadako.(Nguồn: DW)

Năm 1958, Tượng đài Hòa bình dành cho trẻ em, còn được gọi là “Tháp Senbazuru” (ngàn cánh hạc), được dựng lên ở Công viên Tưởng niệm Hòa bình của thành phố phía Tây Nhật Bản với bức tượng một cô gái được mô phỏng theo Sadako. 

Tượng đài cao 9 mét, và trên đỉnh là tượng đồng một bé gái cầm hạc giấy, gửi gắm giấc mơ về một tương lai hòa bình. Dưới bức tượng là dòng chữ: "Đây là nước mắt của chúng ta. Đây là lời cầu nguyện của chúng ta. Hòa bình sẽ đến với thế giới này."

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, trẻ em Nhật Bản thường được kể câu chuyện về Sadako để nhắc nhớ tới tình yêu cuộc sống của cô bé cũng như hiểm họa của vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Gấp hạc giấy và đặt tại chân đài tưởng niệm để cầu mong cho hòa bình cũng trở thành một truyền thống không chỉ của trẻ em Nhật Bản mà còn trở thành một biểu tượng hòa bình trên thế giới. 

Cho đến ngày nay, những con hạc giấy vẫn tiếp tục được gấp và được gửi tới từ khắp nơi trên thế giới để đặt dưới chân Tượng đài Hòa bình cho trẻ em./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục