Nhật Bản mở toàn bộ các tuyến đường mòn lên núi Phú Sĩ

Nhằm đảm bảo an toàn cho người leo núi, cả hai tỉnh Shizuoka và Yamanashi đều cấm leo núi xuyên đêm; chỉ cho phép tối đa 4.000 người leo núi mỗi ngày trên tuyến đường mòn Yoshida.

Các phương tiện xếp hàng tại chốt kiểm soát trên tuyến đường Fuji Subaru, nối từ đường mòn Yoshida tới chân núi Phú Sĩ, tại Fujikawaguchiko, Yamanashi, Nhật Bản, ngày 1/7/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Các phương tiện xếp hàng tại chốt kiểm soát trên tuyến đường Fuji Subaru, nối từ đường mòn Yoshida tới chân núi Phú Sĩ, tại Fujikawaguchiko, Yamanashi, Nhật Bản, ngày 1/7/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 10/7, chính quyền Nhật Bản đã cho mở thêm 3 tuyến đường mòn leo núi Phú Sĩ từ tỉnh Shizuoka. Toàn bộ 4 lối lên đỉnh Phú Sĩ đã được mở cho mùa leo núi năm nay.

Trước đó, đường mòn lên núi tại tỉnh Yamanashi đã bắt đầu hoạt động từ ngày 1/7 và dự kiến sẽ duy trì tới ngày 10/9 tới.

Cả hai tỉnh Shizuoka và Yamanashi đều đưa ra những quy định mới, nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo an toàn cho người leo núi, như cấm leo núi xuyên đêm.

Tỉnh Yamanashi hiện chỉ cho phép tối đa 4.000 người leo núi mỗi ngày trên tuyến đường mòn Yoshida và thu phí 2.000 yen (gần 12,4 USD)/người.

Chính quyền tỉnh cũng lần đầu tiên triển khai dịch vụ đăng ký trực tuyến cho tuyến leo núi này, do lo ngại vấn đề an toàn và tác động tới môi trường trên ngọn núi 3.776m này.

Đường mòn Yoshida sẽ đóng cửa từ 16h ngày hôm trước đến 3h ngày hôm sau.

nhat_ban_mo_toan_bo_cac_tuyen_duong_len_nui_phu_si2.jpg
Du khách leo núi Phú Sĩ tại Nhật Bản ngày 30/6/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tương tự, trên 3 tuyến đường từ tỉnh Shizuoka, hệ thống đăng ký trước cũng yêu cầu những người leo núi gửi thông tin chi tiết về hành trình dự tính, như thời gian bắt đầu leo núi hay chỗ nghỉ giữa chặng...

Đối với những trường hợp không đăng ký trước, các đơn vị chức năng có nghĩa vụ hướng dẫn họ một cách cặn kẽ về quy định trên núi Phú Sĩ. Không khuyến khích các trường hợp leo núi sau 16h hằng ngày.

Núi Phú Sĩ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2013.

Nhật Bản ghi nhận lượng khách du lịch cao kỷ lục sau đại dịch COVID-19, cũng như trong bối cảnh đồng yen suy yếu. Do đó, giới chức địa phương lo ngại về tình trạng quá tải tại ngọn núi cao nhất tại Đất nước Mặt trời mọc này.

Theo chính quyền Shizuoka, số người leo núi từ tỉnh này trong năm 2023 là 84.086 người, gần bằng với tổng số 85.677 người trước đại dịch năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục