Nhật Bản: Người dân tìm cách “lừa” quạ để bảo vệ các điểm thu gom rác

Năm 2001, chính quyền thành phố Tokyo đã nhận được tới 3,754 lá đơn thông báo việc bị quạ “lật thùng rác,” “gõ cạch cạch,” “tấn công người” cũng như các vấn đề khác. 

Quạ là loài động vật rất thông minh. (Nguồn: Vietnam+)
Quạ là loài động vật rất thông minh. (Nguồn: Vietnam+)

Phường Adachi thuộc thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã sử dụng tiếng quạ kêu để bảo vệ các địa điểm thu gom rác khỏi những kẻ cướp có cánh rất thông minh này.

Trong một cuộc thử nghiệm kéo dài, người ta đã lắp đặt các thiết bị “kiểm soát quạ” tại năm địa điểm thu gom rác trong khu vực, theo đó chúng sẽ phát ra những tiếng quạ kêu với tín hiệu cảnh báo rằng ở đây có nguy hiểm, nên tránh xa.

Thiết bị này do CrowLab, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Utsunomiya liên kết với Đại học Utsunomiya, chế tạo nên, sử dụng cảm biến hồng ngoại để phát hiện những con quạ đang đến gần và sau đó phát ra tiếng kêu cảnh báo của loài quạ trong vòng 10 giây để thúc giục chúng bay đi nơi khác.

Mặc dù thời gian gần đây, số lượng quạ ở thủ đô Tokyo đã giảm đáng kể, nhưng loài chim này vẫn gây ra tình trạng hỗn loạn tại 5 khu vực đang được thử nghiệm thiết bị kiểm soát quạ.

Nếu thử nghiệm thành công, dự án kiểm soát quạ có thể được mở rộng ra toàn bộ phường.

ttxvn-tokyo-2993.jpg
Đường phố ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)

Phường Adachi là khu vực đầu tiên ở Tokyo áp dụng thử nghiệm thiết bị này. Adachi có 30.000 điểm thu gom rác, nhưng 5 khu vực được thử nghiệm, bao gồm vùng xung quanh ga Takenotsuka, ga Nishiarai và khu vực Higashi-Ayase có số lượng quạ cao hơn đáng kể.

Những con quạ được cho là đến từ công viên Toneri, công viên Higashi-Ayase và các khu vực khác trong phường. Hiện chưa rõ số lượng quạ đang trú ngụ ở phường Adachi.

Rác thải từ các nhà hàng ở gần ga Takenotsuka thường bị chim chóc tha đi khắp nơi, khiến người dân trong khu vực liên tục phàn nàn.

Thông thường, để ngăn chặn lũ quạ, phường thường sử dụng các thùng thu gom rác có nắp đậy, nhưng những thùng rác này chiếm nhiều diện tích và cần được chăm sóc, bảo trì liên tục.

Sau đó, chính quyền phường quyết định hợp tác cùng CrowLab và đại học Utsunomiya trong cuộc chiến chống lại những thiệt hại do loài quạ gây ra.

Phường cũng kết hợp với việc hướng dẫn người dân cách xử lý rác thích hợp bằng cách dán tờ rơi quanh các điểm thu gom rác. Sau đó sẽ đánh giá hiệu quả của các biện pháp này để từ đó tìm ra những cách thức chia sẻ thông tin một cách hợp lý.

Lực lượng chức năng cũng sử dụng lưới chống chim để giữ an toàn cho các địa điểm thu gom rác dưới sự tấn công của quạ. Một số quan chức đã kêu gọi người dân sử dụng túi màu vàng để quạ khó phát hiện ra.

Sumio Hasegawa, người đứng đầu bộ phận môi trường của Adachi Ward, cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét các biện pháp đối phó từ cả hai khía cạnh – Sử dụng âm thanh quạ kêu và cải thiện việc xử lý rác thải.”

Kể từ năm tài chính 2001, chính quyền tại thủ đô Tokyo đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt những ảnh hưởng do quạ gây ra. Trong đó, vấn đề chính là khối lượng thức ăn thừa khổng lồ bị vứt bỏ hàng ngày trong khu vực đô thị đông đúc đã cung cấp cho lũ quạ nguồn năng lượng chính.

Chính quyền cho biết số lượng quạ đã tăng vọt từ năm 2000, khiến thành phố phải phát động một chiến dịch nhằm giảm số lượng của chúng. Và số lượng quạ đã giảm từ 36.416 con trong năm tài chính 2001 xuống 8.699 con trong năm 2022, tại 40 khu vực trong thủ đô Tokyo.

ttxvn-tokyo-2-8478.jpg
Một góc thành phố Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 2001, chính quyền thành phố Tokyo đã nhận được tới 3,754 lá đơn thông báo việc bị quạ “lật thùng rác,” “gõ cạch cạch,” “tấn công người” cũng như các vấn đề khác. Đến năm 2022, số lượng đơn giảm chỉ còn 342.

Được xếp vào nhóm động vật thông minh nhất hành tinh, quạ là loài duy nhất không thuộc linh trưởng mà có thể tạo và sử dụng công cụ lao động. Chúng thậm chí có thể bắt chước tiếng người, và có trí tuệ vượt trội so với một số loài chim nổi tiếng lanh lợi như khướu, vẹt két... Nghiên cứu hành vi thực hiện các yêu cầu của con người ở quạ cho thấy đây là loài động vật có trí thông minh tương đương với một đứa trẻ.

Chúng thường tự tạo công cụ từ các cành cây nhỏ và xén tỉa thành dạng móc câu để lôi ấu trùng sâu bọ hay kiến ra khỏi lỗ trên thân cây. Loài động vật này có thể ghi nhớ khuôn mặt và có sự ác cảm với con người vì chúng coi đây là một mối đe dọa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục