Ngày 26/12, Cơ quan quản lý thảm họa thiên tai và cứu hỏa của Nhật Bản cho biết khoảng 60% các tòa nhà chính quyền địa phương trên cả nước không được trang bị nguồn cấp điện khẩn cấp trong vòng 72 giờ, khoảng thời gian cần thiết để thực hiện hoạt động cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp xảy ra thảm họa.
Tính đến tháng 6/2019, trong tổng số 1.741 chính quyền thành phố trên toàn Nhật Bản, chỉ có 717 (chiếm 41,2%) chính quyền thành phố đạt tiêu chuẩn về nguồn cấp điện dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Kết quả trên cho thấy hoạt động quản lý lỏng lẻo của các chính quyền địa phương đối với các thiết bị được cho là đóng vai trò quan trọng trong hoạt động cứu hộ tại những khu vực hứng chịu thảm họa.
Theo cơ quan trên, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là khó khăn trong việc tích trữ một lượng lớn nhiên liệu như thiếu kinh phí và diện tích chứa.
Trước thực trạng trên, chính quyền trung ương Nhật Bản đang kêu gọi các chính quyền địa phương triển khai các biện pháp chuẩn bị nguồn cấp điện khẩn cấp có khả năng cấp điện trong ít nhất 72 giờ trong trường hợp nguồn điện chính thức đã bị cắt.
Các dữ liệu cũng cho thấy 1.613 chính quyền thành phố ở Nhật Bản (chiếm 93%) có lắp hệ thống cấp điện khẩn cấp; 41% có nguồn cấp điện kéo dài hơn 72 giờ; 29% có nguồn cấp điện chưa tới 24 giờ; 12% có nguồn cấp điện kéo dài tới 48 giờ đồng hồ, trong khi 11% cho biết có nguồn cấp điện có thể lên tới 72 giờ.
Trong số 754 chính quyền thành phố tại các vùng dễ ngập lụt, 496 chính quyền thành phố có nguồn cấp điện khẩn cấp cùng với các biện pháp phòng chống lũ lụt.
Toàn bộ 47 tỉnh ở Nhật Bản đã chuẩn bị nguồn cấp điện khẩn cấp cho các tòa nhà chính quyền. Tuy nhiên, tỉnh Toyama và Fukui ở vùng Hokuriku, miền Trung Nhật Bản và tỉnh Fukuoka và Saga thuộc vùng Kyushu, miền Tây Nam Nhật Bản và tỉnh Okinawa không có đủ nguồn cấp điện khẩn cấp trong vòng 72 giờ.
Trận động đất tại Hokkaido năm 2018 và các trận bão Faxai và Hagibis trong năm nay đã gây ra tình trạng mất điện trong thời gian dài tại Nhật Bản./.