Ngày 28/8, Thủ tướng Shinzo Abe đã thông báo ý định từ chức khi nhiệm kỳ hiện tại vẫn còn hơn 1 năm. Đây là lần thứ 2 liên tiếp ông phải bỏ dở nhiệm vụ vì lý do sức khỏe.
Điều này khiến không ít người phải tiếc nuối bởi vì, vị Thủ tướng có thời gian tại nhiệm liên tục lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản này đã đem lại nhiều thay đổi cho đất nước Mặt trời mọc.
Các quan ngại về vấn đề sức khỏe của Thủ tướng Abe đã xuất hiện từ đầu tháng 8/2020. Trong ấn phẩm ra ngày 4/8, tạp chí Flash đưa tin Thủ tướng Abe đã nôn ra máu tại Văn phòng Thủ tướng hôm 6/7.
Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga đã bác bỏ các quan ngại này khi khẳng định: “Tôi vẫn thấy Thủ tướng Abe hàng ngày, và tôi nghĩ rằng ông ấy không có vấn đề (về sức khỏe) bởi vì, ông ấy vẫn thực hiện nhiệm vụ của mình một cách trôi chảy.”
Mặc dù vậy, Thủ tướng Abe đã hai lần tới Bệnh viện Keio ở thủ đô Tokyo trong các ngày 17 và 24/8. Các nguồn tin từ nội bộ LDP cho biết Thủ tướng Abe đã làm việc gần 150 ngày liên tiếp, kể từ cuối tháng Một đến cuối tháng Sáu, và chỉ có ba ngày nghỉ vào các ngày 23, 25 và 26/7 trước kỳ nghỉ Hè vừa qua.
Ông bị kiệt sức vì phải liên tục chỉ đạo cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và xử lý hậu quả do thảm họa mưa lũ gây ra ở nhiều khu vực của Nhật Bản.
Thủ tướng Abe, người đang giữ chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), đã lên nắm quyền vào tháng 12/2012 sau khi LDP giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện.
Sau khi lên nắm quyền, ông đã triển khai chính sách kinh tế mới với tên gọi Abenomics. Đây là một tập hợp các biện pháp cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Đến nay, Abenomics đã trải qua 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 bắt đầu từ cuối năm 2012 và kết thúc vào tháng 8/2015, và giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 9/2015 đến nay.
Việc triển khai Abenomics đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ như đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi vòng xoáy giảm phát và tăng trưởng liên tục trong 71 tháng liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua.
Trong thời gian Thủ tướng Abe nắm quyền, chỉ số Nikkei đã tăng gấp đôi, từ 10.000 điểm vào tháng 12/2012 lên hơn 20.000 điểm. Điều này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào các chính sách kinh tế của Chính phủ Nhật Bản.
Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2018 đến nay, đà tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Và đến tháng 10/2018, thời kỳ tăng trưởng liên tục dài thứ 2 trong thời hậu chiến đã kết thúc.
Kể từ đầu năm nay, nền kinh tế đã rơi vào suy thoái do tác động của dịch COVID-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cùng với việc tăng thuế tiêu dùng vào đầu tháng 10/2019.
[NHK: Sức khỏe ngày một xấu, Thủ tướng Shinzo Abe có ý định từ chức]
Trên mặt trận đối nội, Thủ tướng Abe đã giúp củng cố và nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó, ông đã đóng góp rất lớn vào việc thay đổi cách diễn giải Hiến pháp hiện hành nhằm cho phép Lực lượng Phòng vệ (SDF) tham gia hoạt động phòng thủ tập thể để bảo vệ đồng minh trước các cuộc tấn công vũ trang. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong chính sách an ninh của Nhật Bản thời hậu chiến.
Trong khi đó, trên mặt trận ngoại giao, ông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có việc xây dựng quan hệ cá nhân rất tốt với Tổng thống Mỹ Donald Trump và củng cố quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, vốn đã bị rạn nứt dưới thời các chính quyền của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ).
Đối với LDP, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe, liên minh cầm quyền giữa LDP và đảng Công minh giành thắng lợi trong sáu cuộc bầu cử quốc gia liên tiếp.
Nhờ các thành tích đó, Thủ tướng Abe đã trở thành vị thủ tướng có thời gian tại nhiệm liên tục lâu nhất Nhật Bản hôm 24/8, vượt qua kỷ lục của Thủ tướng Eisaku Sato, người đã từng giữ vị trí này trong 2.798 ngày liên tiếp từ ngày 9/11/1964 đến 7/7/1972.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, tỷ lệ ủng hộ đối với nội các của Thủ tướng Abe đã liên tục giảm, một phần do sự ứng phó chậm chạp và thiếu quyết liệt của Chính phủ trước sự bùng phát của dịch COVID-19, một phần do tác động của các vụ bê bối liên quan tới một số bộ trưởng trong nội các, trong đó đáng chú ý là nghi án mua phiếu bầu trong cuộc bầu cử Thượng viện tháng 7/2019 của vợ chồng cựu Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai và vụ bắt giữ Hạ nghị sỹ Tsukasa Akimoto của LDP với cáo buộc nhận hối lộ từ một doanh nghiệp Trung Quốc.
Bên cạnh đó, những lùm xùm xung quanh chương trình cấp khẩu trang vải miễn phí cho các hộ gia đình để phòng chống dịch COVID-19 (thường được gọi là Abenomask) cũng gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của Thủ tướng Abe.
Kết quả thăm dò dư luận do nhật báo Yomiuri tiến hành từ ngày 7/8 đến 9/8 cho thấy tỷ lệ ủng hộ với nội các của Thủ tướng Abe đã giảm xuống 37%, giảm 2 điểm phần trăm so với cuộc thăm dò trước đó, trong khi tỷ lệ phản đối lên tới 54%, cao nhất kể từ tháng 12/2012. Đây là tháng thứ năm liên tiếp tỷ lệ phản đối cao hơn ủng hộ.
Đáng chú ý, có tới 66% không tán thành với cách ứng phó của Chính phủ trước dịch COVID-19, tăng mạnh so với con số 48% trong cuộc thăm dò trong tháng Bảy và cao nhất trong sáu cuộc thăm dò kể từ tháng 2/2020.
Bên cạnh đó, có tới 78% số người được hỏi nghĩ rằng Thủ tướng Abe chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Abe đã từng hy vọng việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7, dự kiến sẽ diễn ra ở Mỹ trong tháng này, có thể giúp phục hồi uy tín của mình nhưng hội nghị đó đã bị hoãn lại.
Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản vẫn gặp vô vàn khó khăn bất chấp các biện pháp quyết liệt của Chính phủ. Nhiều người đồn đoán Thủ tướng Abe có thể sẽ tiến hành cải tổ nội các và Ban Chấp hành LDP vào tháng tới nhằm củng cố quyền lực và bố trí nhân sự chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Tuy nhiên, cuối cùng, ông đã lựa chọn việc từ chức để nhường lại chiếc ghế "nóng" cho người khác.
Theo dự kiến, nhiệm kỳ Chủ tịch LDP của Thủ tướng Abe sẽ kết thúc vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, với việc Thủ tướng Abe từ chức, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso có thể sẽ tạm thời tiếp quản chiếc ghế "nóng" này.
Sau đó, LDP sẽ phải tổ chức bỏ phiếu để bầu ra chủ tịch mới, người sau đó sẽ được Quốc hội bầu để giữ chức thủ tướng.
Người đứng đầu chính phủ mới chắc chắn sẽ đối mặt với không ít khó khăn khi phải xử lý “núi công việc” dang dở mà Thủ tướng Abe để lại như khống chế dịch COVID-19, vực dậy nền kinh tế đang suy thoái, giải quyết vấn đề già hóa dân số, sửa đổi Hiến pháp và tổ chức Thế vận hội (Olympic) Tokyo 2021 và Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic) cũng như xử lý các vấn đề ngoại giao còn tồn đọng./.