Ngày 21/12, Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ với lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn (10 năm) ở mức 0% và lãi suất ngắn hạn âm 0,1%, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước có những phục hồi thuận lợi, dù lạm phát vẫn ở mức thấp chưa đạt mục tiêu 2%.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, với 8/9 phiếu tán thành, Ủy ban Chính sách BoJ đã nhất trí tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Bên cạnh đó, ủy ban này đã thông qua các quyết định như phương châm mua vào tài sản từ quỹ đầu tư danh mục chỉ số chứng khoán (ETF) với 9/9 ủy viên tán thành cũng như thống nhất thảo luận ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và tác dụng phụ của môi trường lãi suất quá thấp.
[Chính phủ Nhật Bản vẫn "chật vật" trong quá trình phục hồi kinh tế]
Kết quả điều tra dự báo kinh tế ngắn hạn của các doanh nghiệp Nhật Bản trên toàn quốc trong tháng 12 cho thấy tình trạng suy giảm tại các doanh nghiệp sản xuất lớn đã được cải thiện năm quý liên tiếp. Nhu cầu trong và ngoài nước thuận lợi đang giúp kinh tế Nhật Bản phục hồi. Tiêu dùng cá nhân - yếu tố chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội (GPD) của Nhật Bản - cũng được điều chỉnh tăng.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thuận lợi trên, BoJ sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2019. Lạm phát yếu đang là mối đe dọa với kinh tế Nhật Bản khi người dân có thói quen tích trữ tiền mặt, ảnh hưởng xấu tới nhu cầu tiêu dùng. Việc kích thích lạm phát lên 2% sẽ làm giảm xu hướng tích trữ tiền mặt, buộc người dân mua các tài sản có giá trị, góp phần tăng đáng kể nhu cầu tiêu dùng./.