Nhật Bản sắp phóng tên lửa đưa tàu đổ bộ lên thám hiểm Mặt Trăng

Dự kiến, Tàu đổ bộ SLIM sẽ đi vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng khoảng 3 đến 4 tháng kể từ thời điểm rời bệ phóng và có khả năng đáp xuống bề mặt Mặt Trăng sau 4 đến 6 tháng.
Nhật Bản sắp phóng tên lửa đưa tàu đổ bộ lên thám hiểm Mặt Trăng ảnh 1Tàu đổ bộ Mặt Trăng của Nhật Bản. (Nguồn: Nation World)

Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries hôm 4/9 đã thông báo kế hoạch phóng tên lửa đẩy H2A vào vũ trụ. Cuộc phóng dự kiến diễn ra vào 8h42 (giờ Nhật Bản) ngày 7/9 tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở Tây Nam Nhật Bản.

Theo kế hoạch ban đầu, tên lửa H2A lẽ ra được phóng vào ngày 28/8 nhưng Mitsubishi đã hoãn nhiệm vụ vào phút chót do gió thổi quá mạnh.

Vào ngày 7/9 tới đây, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, tên lửa H2A sẽ bay vào không gian, mang theo Tàu đổ bộ Thông minh thăm dò Mặt trăng (SLIM) do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phát triển.

Cuộc đổ bộ lên Mặt trăng của SLIM, dự kiến diễn ra từ 4 đến 6 tháng kể từ thời điểm tàu phóng thành công, sẽ là nỗ lực thứ hai của Nhật Bản trong những tháng gần đây nhằm đưa một thiết bị thăm dò lên Mặt trăng.

Trước đó, công ty Ispace có trụ sở tại Tokyo đã thử đưa tàu thăm dò Hakuto-R Mission 1 lên Mặt trăng vào tháng 4 năm nay, nhưng thất bại khi tìm cách hạ cánh. Theo Bloomberg, các kỹ sư của Ispace đã đưa con tàu vào vị trí thẳng đứng trong lần tiếp cận Mặt trăng cuối cùng, trước khi bị mất liên lạc. Có khả năng con tàu đã "hạ cánh cứng" xuống Mặt trăng - một thuật ngữ cho thấy tàu đã rơi mất kiểm soát và đâm xuống bề mặt Mặt trăng.

Cùng bay trên tên lửa H-2A còn có kính viễn vọng mang tên Nhiệm vụ Quang phổ và Chụp ảnh Tia X (XRISM). Đây thực tế là một vệ tinh có khả năng chụp ảnh tia X do JAXA, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hợp tác phát triển. XRISM sẽ cho phép ba cơ quan trên cùng nghiên cứu quá trình vũ trụ tiến hóa.

[Nhật Bản hoãn kế hoạch phóng tên lửa đưa tàu đổ bộ lên Mặt Trăng]

Theo trang Space.com, SLIM là một nhiệm vụ "nhỏ" với mục tiêu lớn. Con tàu thăm dò này được phóng lên với mục tiêu thử nghiệm kỹ thuật hạ cánh chính xác xuống Mặt trăng. Theo đó, tàu sẽ hạ cánh xuống một vị trí cách điểm đến dự kiến, nằm bên trong miệng hố Shioli của Mặt trăng, không quá 100m. Từ đây, tàu sẽ kiểm tra môi trường xung quanh miệng hố Shioli - một điểm va chạm thiên thạch có đường kính khoảng 400m. 

Miệng hố Shioli nằm ở vùng đồng bằng Mare Nectaris. Khu vực này có tọa độ khoảng 13 độ vĩ Nam và 25 độ kinh Đông, tại phía gần của Mặt Trăng (so với về Trái Đất)

Nếu SLIM hạ cánh an toàn, Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia thứ năm đưa tàu thăm dò lên Mặt trăng thành công, sau Liên Xô cũ, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Riêng Ấn Độ chỉ mới vừa gia nhập nhóm vào ngày 23/8, khi đáp tàu đổ bộ Chandrayaan-3 thành công xuống Mặt trăng.

JAXA là đối tác trong Hiệp định Artemis do NASA dẫn đầu nhằm quay trở lại Mặt trăng, đồng thời thiết lập cái gọi là "các chuẩn mực hòa bình trong không gian". Cho tới nay đã có vài chục nước ký tham gia Hiệp định Artemis và Nhật Bản là một trong những quốc gia tích cực tham gia vào chương trình đưa con người trở lại Mặt trăng của NASA (Chương trình Artemis).

Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida xác nhận Nhật Bản sẽ đóng vai trò chủ chốt trong các nhiệm vụ thuộc chương trình Artemis. Theo kế hoạch hợp tác, một phi hành gia Nhật Bản sẽ được đưa tới trạm vũ trụ quay quanh Mặt trăng của NASA mang tên Gateway. Cả hai ông Biden và Kishida cũng đều đã bày tỏ “tham vọng chung” trong việc đưa phi hành gia Nhật Bản lên Mặt trăng.

Chương trình Artemis hiện đặt mục tiêu đưa người hạ cánh xuống Mặt trăng trong nhiệm vụ Artemis 3. Nhiệm vụ này diễn ra không sớm hơn năm 2025 hoặc 2025. Nguyên nhân do NASA vẫn đang tiếp tục phát triển các phần cứng phục vụ chương trình Artemis, cũng như kết quả thử nghiệm các phần cứng này trong nhiệm vụ Artemis 2. Tại nhiệm vụ này, các phi hành gia sẽ lên tàu đổ bộ và bay vòng quanh Mặt trăng, nhưng không triển khai việc hạ cánh. Nhiệm vụ dự kiến diễn ra vào cuối năm 2024.

Theo các thỏa thuận đã ký với Mỹ, Nhật Bản sẽ có phi hành gia tham gia chương trình Artemis, cũng như được thực hiện các nhiệm vụ khoa học trong trương trình này. Các thỏa thuận này bao gồm nội dung an ninh mạng, mạng di động 5G cũng như nhiều sự hợp tác về khoa học và công nghệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục