Sáng 28/8, Mitsubishi Heavy Industries Ltd (MHI - công ty con của tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản) thông báo hoãn phóng tên lửa đẩy H2A đưa tàu đổ bộ Mặt Trăng của nước này vào không gian do gió mạnh tại thời điểm phóng.
Theo kế hoạch ban đầu, vào 9h26 sáng cùng ngày(theo giờ địa phương), tên lửa đẩy H2A được Nhật Bản tự sản xuất sẽ rời bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima trên đảo Tanegashima thuộc tỉnh Kagoshima, miền Tây Nam Nhật Bản.
Tên lửa này mang theo tàu đổ bộ Mặt Trăng SLIM do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phát triển.
Tàu đổ bộ SLIM sẽ thử nghiệm công nghệ hạ cánh chính xác trên bề mặt Mặt Trăng.
Dự kiến SLIM sẽ đi vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng khoảng 3 đến 4 tháng kể từ thời điểm rời bệ phóng và có khả năng đáp xuống bề mặt Mặt Trăng trong sau 4 đến 6 tháng.
Trong sứ mệnh này, tên lửa H2A còn mang theo vệ tinh Quang phổ và chụp ảnh tia X (XRISM) do JAXA, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cùng phát triển.
Vệ tinh này được thiết kế để nghiên cứu quá trình vũ trụ tiến hóa. Tuy nhiên, sứ mệnh đã bị hoãn 24 phút trước giờ phóng.
Trong thông báo trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), đơn vị phụ trách phóng vệ tinh của MHI nêu rõ nguyên nhân hoãn vụ phóng này là do các điều kiện gió ở thượng tầng khí quyển không phù hợp.
Qua kênh Youtube phát trực tuyến sự kiện này, JAXA cho biết MHI sẽ cung cấp thêm thông chi tiết sau.
[Tàu đổ bộ Vikram gửi về dữ liệu quan trắc nhiệt độ Mặt Trăng]
Vụ phóng nói trên của Nhật Bản thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế trong bối cảnh vào tuần trước, một quốc gia châu Á khác là Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên có tàu vũ trụ đáp xuống cực Nam của Mặt Trăng.
Nhật Bản kỳ vọng sẽ có thể tiến hành thành công vụ phóng này, qua đó trở thành quốc gia thứ 5 đưa được tàu đổ bộ lên Mặt Trăng, sau Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, nỗ lực khẳng định vị thế trên trường quốc tế trong lĩnh vực phóng vệ tinh và thám hiểm không gian của Tokyo nhiều lần bị ảnh hưởng trong thời gian qua do một số kế hoạch bất thành trong năm nay, đơn cử như hai vụ phóng tên lửa H3 hồi đầu tháng 3 năm nay và tên lửa Epsilon-6 hồi tháng 10/2022 đều không đạt kết quả như mong đợi./.